Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

Hòa An (Cao Bằng): Đón thời cơ, tạo đột phá

Minh Thu - 10:26, 03/06/2020

Những ngày này, không khí náo nức chào đón Đại hội Đảng bộ huyện Hòa An (Cao Bằng) lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đang diễn ra sôi nổi trên khắp các bản làng. 4 xã đã về đích nông thôn mới (NTM), kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện có bước phát triển, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy… là động lực để huyện Hòa An bước vào nhiệm kỳ Đại hội mới với niềm tin mới.

Người dân thôn Vò Rài, xã Hồng Việt, huyện Hòa An chăm sóc ớt theo mô hình Tổ hợp tác.
Người dân thôn Vò Rài, xã Hồng Việt, huyện Hòa An chăm sóc ớt theo mô hình Tổ hợp tác.

Đến xã Hoàng Tung - địa phương vừa đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM (tháng 5/2020) trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Hòa An, chúng tôi cảm nhận rõ không khí hân hoan, vui tươi, phấn khởi của người dân nơi đây.

Ông Phạm Văn Tình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Tung phấn khởi cho biết: “Sau bao nỗ lực, Hoàng Tung đã về đích NTM. Đây là thành quả từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy, chính quyền và sự đồng lòng, chung tay xây dựng quê hương của Nhân dân Hoàng Tung”.

Hoàng Tung là xã thứ tư trong huyện Hòa An về đích NTM trong thời gian qua. Trong 6 năm, xã đã huy động trên 52 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, giúp cho 100% tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn trên 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm… Đây là minh chứng rõ nét về những thành tựu KT-XH huyện đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, với nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH, Hòa An lựa chọn và triển khai thực hiện tốt 3 chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế địa phương, là: Xây dựng tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển KT-XH; Chương trình phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020; Xây dựng và phát triển vùng kinh tế trung tâm thị trấn Nước Hai và các xã lân cận, phát triển, mở rộng các chợ xã trên địa bàn huyện.

Nhờ những nỗ lực đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 35,78% (năm 2015) xuống còn 21,39% (năm 2019), giảm 3,66%/năm (đạt 122% so kế hoạch); số xã đạt tiêu chí quốc gia về NTM tăng 3 xã (đạt 250% so kế hoạch)…

Chia sẻ về giải pháp thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ tới, Bí thư Huyện ủy Hòa An, ông Bế Thanh Tịnh cho biết: Đảng bộ huyện sẽ tranh thủ thời cơ, vận hội mới, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Trên cơ sở đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hành động mang tính đặc thù, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, được coi là khâu đột phá trong phát triển KT-XH của huyện. 

Trong đó sẽ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thông minh. Từ đó, hình thành nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích lúa chất lượng cao tại các xã; triển khai Chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thành lập các tổ, nhóm hợp tác sản xuất; phấn đấu trồng rừng gỗ lớn 4.400ha, quy hoạch các vùng chăn nuôi trâu, bò hàng hóa; tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận vốn, đất đai, liên kết, liên doanh trong sản xuất, gắn với thị trường…

Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Hòa An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức từ ngày 2 - 4/6, với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hoạt động chính quyền hiệu lực, hiệu quả; phát huy nội lực và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển KT-XH; phấn đấu xây dựng huyện Hòa An phát triển toàn diện, bền vững.


Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.