Đầu năm 2018, gia đình anh Lý A Hềnh, ngụ tại bản Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà cùng 2 hộ trong bản (lập thành nhóm hộ) được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản nuôi theo hình thức luân phiên bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 (CT135). Anh Hềnh cho biết: “Gia đình tôi được phân công chăm bò năm đầu, sau hơn 1 năm, bò mẹ phát triển, sinh trưởng tốt và đẻ được 1 bê. Đợi bê cứng cáp, tôi sẽ chuyển cho hộ khác chăm sóc. Từ đây nhà tôi có thêm điều kiện để thoát nghèo bền vững”.
Tại xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, năm 2017, UBND xã đã vận động được 36 hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Sau đó, xã Chà Nưa tập trung mọi nguồn lực để giúp bản vùng cao Nậm Ðích giảm nghèo bền vững. Năm 2018, thực hiện CT135, xã Chà Nưa đã huy động nguồn lực hỗ trợ thêm cho người nghèo bản Nậm Ðích 28 con bò sinh sản để nuôi theo nhóm 3 hộ/con.
Cùng với việc hỗ trợ trâu, bò, trong hai năm qua (2017-2018), huyện Nậm Pồ đã triển khai hỗ trợ gần 4 tấn giống lúa, 500 máy nông nghiệp các loại cho gần 1.200 hộ dân ở các xã Phìn Hồ, Si Pa Phìn, Nậm Chua, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Chà Tở, Vàng Đán và Pa Tần. 60 ngàn con cá giống các loại được cấp cho nhân dân 2 xã Nà Hỳ và Pa Tần. Huyện mở được 24 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản cho 700 học viên tham gia. Thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho gần 2.500 lượt hộ. Xây dựng 2 mô hình trồng sa nhân cho 80 hộ dân tại xã Nậm Khăn và Nà Bủng.
Bà Chu Thùy Liên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên khẳng định: Nhờ các chương trình, dự án, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên có thêm sinh kế và điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% (cuối năm 2015) xuống còn 41,01% (năm 2018). Những kết quả đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong thời gian qua.
MINH THU