Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Hỗ trợ phát triển sản xuất hướng tới hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo: Giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững

PV - 15:56, 07/09/2018

Hỗ trợ phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng để giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập, từ đó thoát nghèo. Nhưng để giảm nghèo bền vững thì việc chú trọng đối tượng là hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo là vấn đề cần được quan tâm thực hiện.

hỗ trợ sản xuất Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu cũng là một rào cản phát triển sản xuất, do đó cần được chú trọng đầu tư.

Tập trung nguồn lực để giảm nghèo

Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1722/QĐ-TTg, ngày 2/9/2016 (gọi tắt là Chương trình) đã đi được một nửa chặng đường với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù trong điều kiện ngân sách hạn chế nhưng Chương trình đã huy động được một nguồn lực khá lớn để thực hiện.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình, giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ giao trung hạn 5 năm cho các bộ, ngành và địa phương tổng nguồn vốn 41.449 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Trong 2 năm (2016-2017), nguồn vốn đã giao là 14.584,211 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35%. Ngoài ra, trong 2 năm (2016-2017), ngân sách nhà nước đã bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng... Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các địa phương đã thực hiện huy động nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Đáng chú ý, thời gian qua, một phần không nhỏ nguồn lực đã được bố trí để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Theo Quyết định 1722/QĐ-TTg, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có 5 dự án thành phần; trong đó hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được quy định trong 3 dự án thành phần (gồm Tiểu dự án 3 của Chương trình 30a; Tiểu dự án 2 của Chương trình 135 và Dự án 3); nội dung này được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai.

Số liệu của Ban Chỉ đạo Chương trình cho thấy, trong 2 năm (2016-2017) ngân sách Trung ương đã bố trí 1.541,025 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các thôn, bản ĐBKK, các xã ĐBKK vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu và các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135. Chỉ tính riêng chính sách phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Tiểu dự án 3 của Chương trình 30a, năm 2017 đã thực hiện được 116 dự án với 2.705 hộ tham gia; hỗ trợ cây con giống, vật tư, làm chuồng trại cho 48.379 hộ; nhân rộng gần 100 mô hình cho khoảng 900 hộ tham gia.

Với Tiểu dự án 2 thuộc Chương trình 135, theo báo cáo chưa đầy đủ, các địa phương đã phẩn bổ 720,8 tỷ đồng để hỗ trợ cây, con giống, phân bón, vật tư và một số mô hình sản xuất; tổng số hộ được hưởng lợi là 554.348 hộ…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã góp phần tăng thu nhập của hộ nghèo từ 15-20%; bình quân có khoảng 15% hộ gia đình tham gia dự án đã thoát nghèo. Đặc biệt, với chủ trương “giảm cho không”, tăng cường tính chủ động vươn lên thoát nghèo, các hoạt động hỗ trợ sản xuất đã khuyến khích, phát huy được vai trò, sáng kiến và nguồn lực đối ứng của người dân và cộng đồng trong quá trình thực hiện.

hỗ trợ sản xuất Hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cần phù hợp với đặc điểm khí hậu của địa phương, tập quán sản xuất của người dân. (Vùng khô hạn Ninh Thuận phù hợp với phát triển chăn nuôi cừu).

Cần thêm động lực

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp với thực tế đã trao đúng “cần câu” giúp hộ nghèo nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tính đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế ĐBKK, đã giảm đáng kể.

Theo Quyết định 862/QĐ-LĐTBXH, ngày 4/7/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn 6,70%, giảm 1,53% so với năm 2016; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,32%, giảm 0,09%. Đặc biệt, 64 huyện nghèo 30a đạt tỷ lệ giảm nghèo cao. Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn 39,56%, giảm 5,37% so với năm 2017.

Những kết quả đạt được là rất tích cực, tuy nhiên công tác giảm nghèo bền vững vẫn đối diện với rất nhiều thách thức, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, trong hơn 1,6 triệu hộ nghèo của cả nước thì có tới 864.931 hộ nghèo là đồng bào DTTS. Ngoài ra, hết năm 2017, cả nước có tới 24.191 hộ tái nghèo, 107.499 hộ nghèo phát sinh.

Đặc biệt, tại 64 huyện nghèo, hộ nghèo giảm sâu nhưng số hộ cận nghèo lại tăng lên (tăng 7.299 so với năm 2016); phần lớn hộ cận nghèo gia tăng từ những hộ mới thoát nghèo. Điều đó cho thấy, kết quả giảm nghèo sẽ khó bền vững nếu như chỉ tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo, ít chú trọng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vươn lên.

hỗ trợ sản xuất Cần nhân rộng những mô hình giúp hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vươn lên (Trong ảnh: Mô hình trồng bí xanh trên đất ruộng 1 vụ của Hội LHPN xã Cổ Linh, Pác Nặm, Bắc Kạn)

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ sản xuất là giải pháp quan trọng để giúp các hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập từ đó thoát nghèo bền vững. Do vậy, khi thiết kế Thông tư 18/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Bộ đã hướng tới đối tượng là hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Theo Thông tư, kế hoạch hằng năm và cả giai đoạn cho hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là một phần trong kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Sau khi có Thông tư 18/2017/TT-BNNPTNT, các địa phương đã tổ chức đánh giá những kết quả đạt được về những mô hình thành công, hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo cũng như những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững.

KHÁNH THƯ