Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ lãi suất đối với hộ đồng bào DTTS tại chỗ vay ngân hàng thương mại ở Đăk Nông: Vốn nhỏ, ý nghĩa lớn

PV - 10:29, 16/07/2019

Mặc dù còn là tỉnh nghèo nhưng từ năm 2016, tỉnh Đăk Nông đã chi ngân sách địa phương để hỗ trợ lãi suất đối với hộ đồng bào DTTS tại chỗ khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại để phát triển sản xuất nông nghiệp. Dù quy mô chính sách không lớn nhưng cũng đã góp phần hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế gia đình.

Từ nguồn vốn chính sách, đồng bào M’nông tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’Lấp (Đăk Nông) phát triển diện tích trồng lúa nước. (Ảnh tư liệu) Từ nguồn vốn chính sách, đồng bào M’nông tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’Lấp (Đăk Nông) phát triển diện tích trồng lúa nước. (Ảnh tư liệu)

Thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP về chiến lược Công tác dân tộc, ngày 15/4/2016, UBND tỉnh Đăk Nông đã ban hành Quyết định 17/2016/QĐ-UBND về việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hộ đồng bào DTTS tại chỗ khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại (không phải ở Ngân hàng Chính sách xã hội) sử dụng vào các mục đích phục vụ nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp nông thôn sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất.

Cụ thể, khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại (hợp đồng tín dụng tối đa không quá 300 triệu đồng), mỗi hộ đồng bào DTTS tại chỗ sẽ được hỗ trợ lãi suất bằng 40% số tiền lãi suất và không quá 10 triệu đồng/hộ/năm. Mặc dù định mức hỗ trợ không nhiều do ngân sách địa phương còn hạn hẹp nhưng chính sách hỗ trợ lãi suất này đã tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận được nguồn vốn vay ngoài vốn tín dụng chính sách, góp phần cùng với các chính sách khác hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Như ở bon Bu Ndrong A, bon khó khăn của xã khu vực III Quảng Tân, huyện Tuy Đức. Bon có 122 hộ/633 nhân khẩu thì có đến 118 hộ/621 nhân khẩu là đồng bào DTTS tại chỗ (dân tộc M’nông). Do nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Cuối năm 2018, bon Bu Ndrong A vẫn còn 94 hộ nghèo, chiếm trên 77% tổng số hộ.

Theo số liệu của UBND xã Quảng Tân, tính đến tháng 6/2019, bon Bu Ndrong A có thêm 15 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của bon xuống còn 75,96%. Việc giảm được 15 hộ nghèo ở bon Bu Ndrong A trong 6 tháng đầu năm là một nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, bởi xuất phát điểm ở đây quá thấp.

Như chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Quảng Tân-ông Nguyễn Văn Quế, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo ở bon Bu Ndrong A nói riêng, xã Quảng Tân nói chung sẽ rất khó khăn nếu như thiếu đi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, chính sách của Trung ương (Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới,…). Ngoài ra, xã cũng được thụ hưởng nhiều cơ chế, chính sách riêng của tỉnh Đăk Nông, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ đồng bào DTTS tại chỗ vay ngân hàng thương mại.

Cũng như xã Quảng Tân, các địa phương khác trên địa bàn huyện Tuy Đức, chính sách hỗ trợ lãi suất khi vay ngân hàng thương mại đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS tại chỗ vươn lên thoát nghèo. Theo thống kê, từ khi chính sách được ban hành đến nay, trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có 420 hộ được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn, tổng kinh phí triển khai chính sách đến cuối năm 2018 đạt hơn 2,27 tỷ đồng.

Cùng với Tuy Đức thì các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đăk Nông cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ đồng bào DTTS tại chỗ. Theo bà H' DJRân Knul, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông, chính sách hỗ trợ lãi suất khi vay ngân hàng thương mại dù quy mô không lớn nhưng đã khuyến khích các hộ đồng bào DTTS tại chỗ mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Trong 3 năm (2016-2018), toàn tỉnh đã hỗ trợ lãi suất cho 1.531 hộ đồng bào DTTS tại chỗ vay vốn tại các ngân hàng thương mại; tổng số tiền ngân sách tỉnh chi để thực hiện chính sách là 5,152 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh hỗ trợ được 156 hộ với số tiền 881 triệu đồng.

Trên thực tế, Đăk Nông hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước; tổng thu ngân sách trên địa bàn hằng năm rất thấp. Như năm 2018, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 2.300 tỷ đồng, chủ yếu thu từ thủy điện và thu từ khai thác khoáng sản alumin. Do đó, việc Đăk Nông trích ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách riêng hỗ trợ đồng bào DTTS tại chỗ dù quy mô không lớn nhưng rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của cáp ủy, chính quyền địa phương trong đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS tại chỗ.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.