Theo Quyết định số 241/QĐ-BTC, Bộ Tài chính giao Tổng cục DTNN xuất cấp (không thu tiền) 33.508.995,7 kg gạo từ nguồn DTQG giao cho 42 tỉnh để hỗ trợ cho học sinh học kỳ II năm học 2022 - 2023 theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Trong số 42 tỉnh nhận gạo đợt này có tỉnh Hà Giang hỗ trợ gạo DTQG nhiều nhất là hơn 4.120 tấn; tiếp đó là Sơn La hơn 3.557 tấn; Điện Biên hơn 3.282 tấn; Yên Bái hơn 2.142 tấn; Lào Cai hơn 2.083 tấn; Cao Bằng hơn 2.070 tấn; Lạng Sơn là hơn 1.892 tấn...
Quyết định nêu rõ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm, căn cứ số lượng gạo dự trữ quốc gia tại thời điểm xuất cấp và kế hoạch tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh, giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ nhà nước khu vực phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức giao, nhận gạo tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo kế hoạch phân bổ của UBND các tỉnh.
Đồng thời, trường hợp số lượng gạo thực tế tiếp nhận của địa phương trong học kỳ II thấp hơn số gạo Bộ Tài chính đã quyết định thì cấp theo số lượng gạo đề nghị của địa phương; trường hợp số lượng gạo thực tế địa phương tiếp nhận trong học kỳ II cao hơn số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, thì tổng hợp đề nghị của địa phương, trình Bộ Tài chính xuất cấp gạo bổ sung để kịp thời xuất cấp cho các địa phương trong năm học.
Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 15777/BTC-TCDT của Bộ Tài chính, đảm bảo việc tiếp nhận, phân loại, sử dụng gạo hỗ trợ đúng đối tượng, mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ của năm học, tránh để thất thoát, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, phân phối gạo.
UBND các tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận gạo của địa phương vận chuyển gạo dự trữ quốc gia từ trung tâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đến các trường học hoặc địa điểm thích hợp để cấp phát cho các đối tượng theo đúng quy định./.