Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Đăk Nông: Tạo động lực phát triển lĩnh vực giáo dục

PV - 14:55, 31/07/2019

Nhiều năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước, tỉnh Đăk Nông đã có chính sách riêng hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên (HSSV) người DTTS trên địa bàn. Chính sách này đã tiếp thêm động lực cho HSSV khó khăn của tỉnh theo đuổi con đường học tập.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Sau khi thành lập tỉnh (năm 2004), để đẩy mạnh công tác giáo dục trong vùng đồng bào DTTS, Đăk Nông đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho HSSV người DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh. Chính sách này liên tục được mở rộng đối tượng thụ hưởng cũng như định mức hỗ trợ.

Bà H’DJRân Knul, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông cho biết, khi mới ban hành, chính sách này chỉ hỗ trợ HSSV người DTTS tại chỗ của Đăk Nông; định mức hỗ trợ từ 70-300 nghìn đồng/HSSV/tháng tùy theo cấp học và hỗ trợ thêm tiền xe nếu đi học ngoài tỉnh. Đến năm 2011, chính sách này đã nâng mức hỗ trợ gấp rưỡi và mở rộng đối tượng thụ hưởng với học sinh tất cả các DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Chính sách hỗ trợ HSSV của tỉnh Đăk Nông đã góp phần cùng nguồn lực của Trung ương tạo “cú hích” phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Học sinh trường Tiểu học Lê Lợi, huyện Krông Nô- Ảnh tư liệu) Chính sách hỗ trợ HSSV của tỉnh Đăk Nông đã góp phần cùng nguồn lực của Trung ương tạo “cú hích” phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Học sinh trường Tiểu học Lê Lợi, huyện Krông Nô- Ảnh tư liệu)

“Giai đoạn 2016-2020, chính sách này tiếp tục được HĐND tỉnh cho phép triển khai, với định mức hỗ trợ được nâng lên hơn giai đoạn trước”, bà H’DJRân Knul cho biết.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ HSSV DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Đăk Nông từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 (gọi tắt là Nghị quyết 31), đối với SV người DTTS học cao đẳng, đại học, ngoài chế độ chung của Nhà nước thì ngân sách tỉnh Đăk Nông sẽ hỗ trợ 300 nghìn đồng/SV/tháng (cấp 10 tháng/năm học); đối với HS trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề hệ chính quy được hỗ trợ 200 nghìn đồng/người/tháng, cấp 10 tháng/năm học. Riêng đối với HS cấp phổ thông thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/tháng đối với học sinh là người DTTS khác và 80 nghìn đồng/người/tháng đối với học sinh là người DTTS tại chỗ, cấp 9 tháng/năm học.

Theo bà H’DJRân Knul, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông, chính sách hỗ trợ này đã tạo động lực thúc đẩy phong trào học tập trong vùng DTTS của tỉnh. Cùng với nguồn lực của Nhà nước thì việc ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh người DTTS phải bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Chính sách hỗ trợ riêng cũng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Đăk Nông. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đăk Nông, năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp THPT tại các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trong toàn tỉnh đạt trên 95%. Đáng chú ý, trong năm đầu thành lập (2005), toàn tỉnh Đăk Nông chỉ có gần 7% học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào vào đại học, cao đẳng; nhưng đến năm học 2018-2019, tỷ lệ này đã tăng lên trên 55%.

Vẫn còn vướng mắc

Những thành tựu của sự nghiệp phát triển giáo dục từ chính sách hỗ trợ HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đăk Nông là rất rõ ràng. Tuy nhiên, để chính sách thực sự hiệu quả hơn thì vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu, tháo gỡ.

Đầu tiên phải kể đến là việc hướng dẫn, thực hiện cấp và chi trả chế độ cho HSSV ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh có lúc chưa kịp thời. Thậm chí, một số địa phương không sử dụng hết kinh phí được phân bổ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của HSSV.

Như Đăk Mil, trong các năm học 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019, huyện được cấp trên 6 tỷ đồng để thực hiện chính sách theo Nghị quyết 31. Nhưng tính đến tháng 6/2019, số liệu báo cáo tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Đăk Mil lần thứ III cho thấy, huyện mới chi trả được hơn 1,5 tỷ đồng, với 4.744 HSSV.

Theo ông Trần Viết Điệp, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông, một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân kính phí thực hiện chính sách chậm là do việc rà soát còn chậm.

Đây rõ ràng là vướng mắc mang tính khách quan không khó để tháo gỡ. Nhưng có một hạn chế đang trói buộc việc triển khai một cách hiệu quả chính sách hỗ trợ HSSV ở tỉnh Đăk Nông đó là cơ chế vận hành chính sách.

Cụ thể, triển khai Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh, từ cuối năm 2016, UBND tỉnh Đăk Nông đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan (theo Quyết định 1844/QĐ-UBND ngày 24/10/2016). Đáng lẽ cần giảm đầu mối thực hiện thì UBND tỉnh lại giao cho 4 đơn vị cùng triển khai chính sách đó là: Sở Tài chính; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở GD&ĐT; Ban Dân tộc tỉnh.

Thực tế, để đánh giá một chính sách hỗ trợ từ vốn sự nghiệp thì căn cứ rất nhiều yếu tố; trong đó không thể không tính đến yếu tố đầu mối được giao triển khai chính sách. Việc có quá nhiều đầu mối thực hiện một chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS đã được phân tích, mổ xẻ; trong đó phần lớn ý kiến đều khẳng định đây là một hạn chế. Do vậy, để chính sách hỗ trợ HSSV theo Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh đạt hiệu quả, thiết nghĩ UBND tỉnh Đăk Nông cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng giảm đầu mối thực hiện chính sách.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.