Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ duy trì, mở rộng việc làm cho người dân vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn

Hoàng Quý - 07:47, 28/11/2024

Ngày 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Tạo điều kiện cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vay vốn

Góp ý về Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn thì không công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác. Tức chỉ quy định hỗ trợ cho xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào DTTS, còn những hộ nghèo ở những nơi khác lại không được hỗ trợ.

Theo đại biểu, quy định như vậy thì không hợp lý. Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định hỗ trợ tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn.

Về quy định đăng ký lao động, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là nội dung rất mới và lớn, tuy nhiên quy định không rành mạch, rõ ràng; đồng thời băn khoăn cơ quan, tổ chức cho đăng ký lao động việc làm là ai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hay Phòng Lao động hay ở xã, phường? Nếu các cán bộ xã, phường phụ trách đăng ký thêm việc làm lao động thì sẽ gặp nhiều khó khăn vì họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Do đó, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu thêm tính hợp lý của vấn đề này, nếu không hợp lý thì đề nghị bỏ quy định này, tránh gây rườm rà cho các cơ sở ở xã, phường.

Liên quan đến quy định về Hội đồng kỹ năng nghề, dự thảo Luật quy định tất cả bộ, ngành ở Trung ương đều thành lập Hội đồng kỹ năng nghề, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giao cho Chính phủ quy định. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như vậy rất bất cập, chỉ bộ ngành nào có liên quan, UBND xã, phường có liên quan thì mới thành lập Hội đồng kỹ năng nghề để đánh giá, còn bộ, ngành nào không liên quan thì không nhất thiết phải thành lập. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét lại quy định này.

Ngoài ra, đánh giá riêng về kỹ năng nghề quốc gia, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cho rõ, cụ thể về trình độ, năng lực, học hàm, học vị.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)

Quan tâm nhiều hơn nữa đến người dân sinh sống tại khu vực biên giới

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, quy định là Người lao động thuộc hộ nghèo DTTS, đề nghị bổ sung thêm các đối tượng sau: Người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình người DTTS. Đây là những đối tượng cũng rất khó khăn, có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng rất khó tiếp cận với các ngân hàng thương mại cần tài sản bảo đảm hoặc khả năng chi trả lãi không đáp ứng được yêu cầu.

Điểm c) quy định “Người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc Kinh đang sinh sống tại xã phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) đặc biệt khó khăn, huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã không phải là xã đặc biệt khó khăn”. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét bỏ cụm từ “dân tộc Kinh”, bởi vì hộ nghèo thì bất kể họ thuộc dân tộc nào thì cũng cần được hỗ trợ và đề nghị bổ sung cụm từ “xã biên giới” vào quy định này, với lý do:

Ngay tại Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm (sửa đổi), cơ sở chính trị, pháp lý có nêu “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng về mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực (1 trong 3 khâu đột phá chiến lược) và hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cụ thể: “Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”.

Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng người lao động sinh sống tại các xã biên giới vào quy định này là phù hợp với quan điểm của Đảng và viết lại điểm c như sau: “Người lao động thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại xã phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) đặc biệt khó khăn, xã biên giới, huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã không phải là xã đặc biệt khó khăn”.

Tương tự như vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung các đối tượng như trên tại các điểm a, b khoản 2, Điều 10 về Đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Qua đây, đại biểu rất mong các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội khi xây dựng và thẩm tra các cơ chế chính sách, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng người dân sinh sống tại khu vực biên giới, bởi có nhiều văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về chủ trương, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

Tuy nhiên khi quy định các chính sách cụ thể thì lại không được đưa vào, hoặc ngay từ đầu không có báo cáo tác động chính sách, dự kiến bố trí nguồn lực xây dựng chính sách cho người dân khu vực biên giới, nên khi có ý kiến đề nghị bổ sung thì lại chưa đầy đủ căn cứ để đưa vào quy định.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.