Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng

Đức Bình và CTV - 11:56, 22/12/2023

Huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là huyện miền núi, trong đó đồng bào DTTS chiếm 80%. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện còn cao, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế…

Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn tại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông
Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn tại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông

Giảm dần tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Là huyện có tỷ lệ tảo hôn cao và tập trung nhiều ở các vùng đồng bào DTTS sinh sống, trong khoảng 5 năm gần đây tỷ lệ tảo hôn dao động từ 16,6%-21,36%. Hơn nữa, trẻ em gái vị thành niên là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất do vấn nạn tảo hôn gây ra. Bởi các em vừa phải làm mẹ vừa phải lao động, khi mang thai không được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe đúng cách lại không có kiến thức về sinh sản nên ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe mẹ và bé. Bên cạnh đó, việc không sàng lọc trước sinh, hôn nhân cận huyết, không thăm khám định kỳ cũng gây ra nhiều hệ lụy.

Huyện Đakrông luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số và giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện. Bước đầu, chương trình đã có những chuyển biến rõ rệt.

Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương cùng các đồn Biên phòng tổ chức triển khai 18 lớp tập huấn, vận động, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông; công tác tư vấn, can thiệp lồng ghép trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; 10 hội thi tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và 14 hội nghị và 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về vấn đề này.

Cùng với việc triển khai giảm thiểu tình trạng tảo hôn, huyện Đakrông nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung cũng chú trọng đến các đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Các chương trình triển khai đã đem lại nhiều ý nghĩa và mang tính nhân văn cao như đề án, mô hình giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh: hội chứng down, suy tuyến giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD… góp phần giảm thiểu trẻ em bị dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Thông qua các buổi tuyên truyền, vận động, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhận thức được chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm nhằm tránh các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.

Các bà mẹ lấy máu sàng lọc trước sinh tại Quảng Trị.
Các bà mẹ lấy máu sàng lọc trước sinh tại Quảng Trị.

Năm 2022, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh ở tỉnh chiếm 41% tổng số bà mẹ mang thai. Thông qua sàng lọc đã phát hiện 96 trường hợp có nguy cơ mắc dị tật bào thai. Tỷ lệ nam, các cặp vợ chồng được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn chiếm 22,3% so với tổng số người kết hôn trong năm.

Bằng việc đa dạng về hình thức tuyên truyền như tổ chức các hội thi ngay tại địa bàn các xã vùng cao, biên giới, việc tuyên truyền đã phần nào làm thay đổi nhận thức của người DTTS ở tỉnh Quảng Trị từ đó giảm dần và sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị khuyết tật do không được sàng lọc trước sinh.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế 

Những năm qua, huyện Đakrông luôn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng DTTS. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được cũng như kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bà con vùng đồng bào DTTS.

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện có 1 bác sĩ chuyên khoa II, 16 bác sĩ chuyên khoa I và 23 bác sĩ đa khoa. Trong quá trình thực hiện các công việc chuyên môn, trung tâm luôn mời hoặc kết nối trực tuyến với các bác sĩ tuyến trên để được chuyển giao kỹ thuật, đào tạo từ đó làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến. Một số kỹ thuật như nội soi tai mũi họng, nội soi tiêu hóa, phẫu thuật sản phụ khoa… cũng nhờ đó mà phát triển hơn. Trung tâm đã cấp cứu kịp thời cho nhiều ca bệnh khó, bệnh nặng ngay tại địa phương mà không cần phải chuyển lên tuyến trên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nhất là với bà con đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn ở xa trung tâm không phải đi lại nhiều, gây tốn kém tiền bạc và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Trung tâm Y tế huyện Đakrông đang điều trị cho bệnh nhân là người dân tộc thiểu số.
Trung tâm Y tế huyện Đakrông đang điều trị cho bệnh nhân là người dân tộc thiểu số.

Nhờ triển khai có hiệu quả các dự án chăm sóc sức khỏe cho người DTTS, đến nay 100% xã, thị trấn tại huyện Đakrông đã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Có 96,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế, hằng năm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 95% với 10 loại vaccine. Cùng với đó tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 0,25‰ còn tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi 18,55‰. Toàn huyện có 100% trạm y tế xã, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm và hơn 85% người dân hài lòng với dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm. Các dịch bệnh như sốt rét trên địa bàn huyện dần được đẩy lùi.

Nhằm phát huy tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS, thời gian chính quyền địa phương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.