Quyết định triệu tập lên SEA Games 31 đồng nghĩa Đỗ Hùng Dũng sẽ góp mặt trong mọi giải đấu cấp U23 mà điều lệ giải cho phép kể từ khi ông Park tới Việt Nam. Hai giải đấu trước đó Hùng Dũng góp mặt là Asian Games 2018 và SEA Games 2019. Nếu Quang Hải không kiên quyết từ chối, anh cũng sẽ có số lần góp mặt tương đương Hùng Dũng.
Họ là 2 trong những cầu thủ hay nhất bóng đá Việt Nam đương đại. Khát khao sở hữu họ ở các giải đấu cấp U23 cho thấy HLV Park Hang Seo đang chịu áp lực thành tích cực lớn, thứ áp lực đến mức trở thành gánh nặng.
Nó buộc ông phải liên tục triệu tập những con người tốt nhất, khiến ông không thể cho họ thời gian nghỉ ngơi, bắt ông phải chiến thắng ở mọi giải đấu. Chúng ta từng nghĩ áp lực ấy là đương nhiên sau thất bại liên tiếp của đội tuyển Việt Nam cuối năm ngoái.
Nhưng sau trận Trung Quốc và cả sau trận gặp Nhật Bản, nơi chúng ta đã giành tới 4 điểm, áp lực vẫn không biến mất. Gánh nặng ấy còn lớn hơn cả năm 2019, thời điểm U23 Việt Nam cực mạnh và được kỳ vọng giải cơn khát vàng.
Áp lực ấy chẳng biến mất vì bất cứ điều gì. Dù chúng ta đã có HCV SEA Games đầu tiên ở Philippines, dù thành công của đội tuyển Việt Nam vừa xoa dịu nhiều vấn đề, dù ai cũng biết mục tiêu châu lục là quan trọng hơn, áp lực ấy vẫn tồn tại.
Vấn đề là khi một HLV thành công như thầy Park còn chịu gánh nặng đó, làm sao các HLV tương lai của đội tuyển Việt Nam và U23 vượt qua được nó? Và nếu Hùng Dũng, Quang Hải cứ liên tiếp được triệu tập, bóng đá Việt Nam sẽ lấy đâu ra không gian cho sự phát triển của những tài năng trẻ? Và vì sao U23 Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào họ như thế?
Kỳ vọng về tấm HCV bóng đá nam ở SEA Games 31 là nguyên nhân của tất cả những điều đó. Sâu xa hơn, đó là căn bệnh thành tích vẫn đang bao phủ bóng đá và nền thể thao. Và chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng này sẽ được cải thiện trong vài năm tới ở Việt Nam.
Ông Park và những người kế nhiệm sẽ phải chịu đựng nó. Đặt giá thiết họ đều làm như HLV Park và họ hoàn toàn có quyền làm vậy bởi thành tích của đội tuyển gắn liền với “sinh mệnh” của họ, bóng đá Việt Nam sẽ còn chứng kiến nhiều trường hợp như Hai Long.
Tiền vệ của CLB Hà Nội đã thể hiện tiềm năng cực lớn ở đội Quảng Ninh, đã cho thấy phẩm chất của một thủ lĩnh tại U23 Việt Nam, đã chứng minh anh tài năng và xứng đáng có cơ hội biết bao. Nhưng với Hùng Dũng, Hoàng Đức, ông Park đã đóng sầm cánh cửa trước mặt Hai Long.
Tâm sự của tiền vệ người Quảng Ninh cách đây ít ngày có lẽ cũng là nỗi lòng của rất nhiều cầu thủ U23 khác, những người đang không có được cơ hội mà họ xứng đáng.
Vậy thì tấm HCV SEA Games sắp tới nếu có, liệu có dẫn chúng ta gần hơn với sân chơi châu lục?
Khi đã đánh đổi từng ấy thứ, tấm HCV SEA Games tương lai liệu có mang tới cho chúng ta sự tiến bộ?
Có lẽ không. Bài học của năm 2019 giờ vẫn nóng hổi khi ngay sau thành công SEA Games, U23 Việt Nam lập tức trải qua kỳ U23 châu Á thất vọng, ghi được đúng một bàn và rời giải ngay sau vòng bảng. Hãy chú ý, ngay sau SEA Games vào tháng 5 cũng là một kỳ U23 châu Á chỉ trong tháng 6. Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức có dự được giải đấu ấy không?
Bóng đá Việt Nam hôm nay chẳng thiếu tài năng trẻ. Thành công bất ngờ của đội U22 ở giải Đông Nam Á vừa qua cho thấy chúng ta vẫn còn những viên ngọc thô ẩn mình. Điều họ cần là những đôi mắt phát hiện và bàn tay nâng niu, chăm sóc.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam hôm nay là rất nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện và bộc lộ mình vượt cấp ngay ở đội tuyển chứ không phải U23, điển hình là trường hợp của Phạm Tuấn Hải và Nguyễn Thanh Bình.
Cả 2 đều chưa từng có giải đấu lớn nào cùng U23 Việt Nam và chỉ phát lộ tài năng trên đội tuyển. Nghĩa là họ đã không có cơ hội ở cấp U23, họ không đi theo lộ trình tiến bộ bình thường mà những Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh đã đi trong quá khứ.
Ví dụ về họ là bằng chứng cho thấy U23 Việt Nam dường như không còn là mảnh đất lý tưởng cho các tài năng mới. Đó là điều rất dễ hiểu bởi nếu so về trình độ hay kinh nghiệm, chẳng HLV nào chọn Hai Long hoặc Hữu Thắng nếu đã có Hùng Dũng, Hoàng Đức.