Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ mô hình liên kết “3 nhà”

PV - 15:29, 03/04/2018

Thực hiện mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông - nhà nước và doanh nghiệp), Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn trụ sở tại xã Bình Lư (huyện Tam Đường, Lai Châu) đã phối hợp với chính quyền và người dân xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) triển khai thực hiện mô hình trồng cây dong riềng và sản xuất miến dong đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Nhân dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư (Tam Đường) thu hoạch dong riềng. Nhân dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư (Tam Đường) thu hoạch dong riềng.

 

Theo lời ông Đặng Thế Chuyền-Phó Chủ nhiệm HTX Duy Sơn, tháng 3/2017, mô hình trồng cây dong riềng tại xã chính thức được triển khai với 60 hộ dân ở 3 bản: Trung Chải, Nậm Sảo 1 và 2 tham gia đăng ký góp 50ha đất trồng dong riềng.

Với hình thức hợp đồng tới người dân, huyện và xã giữ vai trò “trọng tài” giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên, HTX Duy Sơn đầu tư hơn 650 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ 70 tấn củ giống và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Theo đó, từ khâu làm đất, gieo trồng đến chăm sóc cây đều được HTX hướng dẫn cụ thể, người dân được tạo điều kiện trả lại giống và tiền phân bón khi cây dong riềng cho thu hoạch…

Để cây dong riềng mang lại thêm nhiều lợi ích cho người dân trên địa bàn và hướng tới các xã lân cận, HTX Duy Sơn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và dây chuyền chế biến miến dong ngay tại xã. Hiện, HTX đang kết hợp thu mua củ dong riềng và vận hành máy sơ chế tách tinh bột, giải quyết việc làm cho 10 lao động là người dân địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến đến đầu qúy III/2018, sản phẩm miến dong đầu tiên sẽ được bán ra thị trường.

Hiện nay, các hộ tham gia mô hình trồng cây dong riềng tại xã Trung Chải đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Các diện tích thu hoạch xong bà con đã làm đất, tiếp tục trồng vụ mới. Ngoài 60 hộ nay có thêm hơn 10 hộ đăng ký tham gia mô hình.

Anh Cầm Văn Chính (bản Nậm Sảo 1) cho biết: “Đầu năm 2017, nghe xã thông báo có HTX về đầu tư cùng người dân phát triển cây dong riềng với nhiều hỗ trợ thiết thực, tôi bàn với gia đình đăng ký tham gia trên diện tích hơn 2.000m2 đất. Hiện ước tính thu về khoảng 10 tấn củ, trị giá trên 10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây nông nghiệp trước đây. Vụ tới, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục tham gia”.

Mở rộng vùng nguyên liệu, HTX Duy Sơn tiếp tục phối hợp với chính quyền huyện và xã Nậm Hàng triển khai mô hình trồng cây dong riềng và sản xuất miến dong trên địa bàn xã với diện tích 150ha, tập trung chủ yếu ở 2 bản Phiêng Luông 1, 2. Dự kiến mô hình sẽ được triển khai vào giữa năm 2018.

Với những nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, hy vọng sản phẩm miến dong của Nậm Nhùn sẽ vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

NGỌC DUY

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.