Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi tiên tiến ở huyện Mỹ Tú

PV - 16:25, 23/10/2018

Để phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững, hiện nay, một số bà con trên địa bàn huyện Mỹ Tú đang áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi bò để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Anh Yết Phol La ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) khoe hệ thống phun sương và máy vắt sữa bò. Anh Yết Phol La ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) khoe hệ thống phun sương và máy vắt sữa bò.

 

Trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường vào chăn nuôi bò được bà con trên địa bàn huyện quan tâm. Ngoài sự nỗ lực của các hộ thì thông qua Dự án phát triển chăn nuôi bò của tỉnh, nhiều nông dân đã được hỗ trợ mô hình về đồng cỏ, chuồng trại, máng uống tự động, ủ rơm, ủ chua thức ăn thô xanh, máy băm cỏ. Đặc biệt, hỗ trợ được một mô hình chăn nuôi tiên tiến gồm: máy băm, phun sương, máy vắt sữa, ủ rơm, ủ phân, trồng cỏ.

Song song đó, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của huyện đã hỗ trợ nhiều nông dân trồng cỏ, máy băm cỏ, ủ chua thức ăn thô xanh, ủ rơm, đệm cao su lót chân bò, vỗ béo bò thịt. Ngoài ra, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã hỗ trợ 15ha tại xã Phú Mỹ, với giống cỏ VA06 loại mới. Được sự hỗ trợ từ Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, đến nay trên địa bàn huyện có gần 50% hộ chăn nuôi bò có công trình khí sinh học. Ngoài xử lý phân bằng biogas, dự án còn hỗ trợ ủ phân compost và các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Anh Yết Phol La ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng là một trong những nông dân đi đầu và thành công với mô hình chăn nuôi tiên tiến. Trao đổi với chúng tôi, anh La cho biết: “Việc test sữa bò được tôi làm thường xuyên để kiểm tra vi sinh, kháng sinh, nước, theo dõi xem chất lượng sữa đạt không để có hướng khắc phục. Năm 2004, tôi đã bắt đầu phát triển chăn nuôi bò sữa, tuy nhiên việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, thậm chí chưa biết đến. Bây giờ thì việc chăn nuôi bò sữa nhẹ hơn rất nhiều nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi bò”.

Cách đây 3 năm, thông qua ngành nông nghiệp tỉnh, huyện, anh La đã được Phân viện Chăn nuôi miền Nam hỗ trợ 50% vốn, còn lại gia đình đối ứng. Ngoài hệ thống chuồng trại được xây dựng đúng kỹ thuật và thông thoáng thì mô hình chăn nuôi tiên tiến đã được anh đầu tư đồng bộ, với tổng chi phí trên 72 triệu đồng, gồm: hệ thống phun sương, máy vắt sữa, quạt gió, đệm lót và máy băm cỏ… Với việc đầu tư nêu trên, việc chăn nuôi bò sữa giờ không còn vất vả như xưa mà năng suất sữa ngày càng tăng, chất lượng sữa được đảm bảo.

Để tiết kiệm chi phí sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường, anh La còn xây dựng hệ thống biogas, góp phần xử lý chất thải một cách bền vững. “Việc đầu tư mô hình chăn nuôi tiên tiến đã mang lại nhiều lợi ích hơn so với cách nuôi truyền thống. Thực tế, vào những lúc nắng nóng, nhất là buổi trưa, bò thường hay bị sốc nhiệt tạo căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến giảm năng suất sữa. Từ khi có hệ thống phun sương, quạt gió đã giảm ảnh hưởng của yếu tố sốc nhiệt lên bò, tăng sản lượng sữa, bò ăn nhiều hơn. Máy vắt sữa không chỉ đảm bảo vệ sinh hơn vắt tay mà còn giảm được công lao động, vì trước kia vắt sữa bò bằng tay thường một con bò hai vợ chồng tôi vắt hết mười mấy phút nhưng nay có máy vắt sữa chỉ cần một người làm, lại giảm thời gian xuống còn 5 phút và còn đảm bảo vệ sinh” - anh La phấn khởi cho biết thêm.

Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh, thô cho bò, anh La đã trồng 5 công cỏ các loại và đầu tư nhà với diện tích trên 20m2 để chứa rơm cuộn. Ngoài ra anh La còn áp dụng phương pháp ủ chua để bảo quản thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng, giúp bò tiêu hóa tốt hơn và bổ sung thêm các loại thức ăn tinh để đảm bảo đủ chất cho bò trong quá trình cho sữa và mang thai. Nguồn nước được cho vào hệ thống lọc để đảm bảo sạch cho bò uống. Từ khâu chọn giống đến quá trình chăm sóc đàn bò sữa luôn được anh La tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhằm thay thế đàn, anh La vừa mới bán 5 con cho sữa đã già cỗi, cho sữa không đảm bảo và gieo tinh không đạt. Hiện tại, gia đình anh còn 7 con bò sữa, mỗi năm, sau khi trừ chi phí thu về trên 100 triệu đồng từ bán sữa. Chia sẻ về kinh nghiệm, anh La cho hay: “Để nâng cao năng suất, chất lượng sữa bò, ngoài con giống là quan trọng thì cần phải xây dựng khẩu phần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bò kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi sẽ mang lại thành công”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Võ Minh Quân cho biết: “Việc áp dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi sẽ tiết kiệm được chi phí, giảm rủi ro. Thông qua quá trình ủ chua sẽ cải thiện được thức ăn và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bò. Chúng tôi đang khuyến khích bà con chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi tập trung, gia trại, trang trại. Đặc biệt, hình thành vùng chăn nuôi bò tập trung theo hướng hiện đại để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con và nhu cầu thị trường”.

Theo Báo Sóc Trăng

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.