Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ mô hình “Biến rác thải thành tiền”

PV - 10:22, 13/11/2018

Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời gây quỹ giúp đỡ hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, Chi hội Phụ nữ bản Bông 2, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã triển khai mô hình “Biến rác thải thành tiền ” vì phụ nữ nghèo.

mô hình Các hội viên thu gom rác thải tại nhà Chi hội trưởng để bán lấy tiền giúp đỡ hội viên nghèo.

Mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Chi hội bản Bông 2, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2018. Theo chị Lương Thị Phong, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Bông 2, thời gian đầu triển khai mô hình, các chị trong Ban Chấp hành Chi hội đã vấp phải không ít khó khăn, nhiều người cho rằng, mình làm chuyện “bao đồng”, mất thời gian đi thu gom rác thải, nhưng số tiền thu chẳng được là bao. Ngay cả người thân trong gia đình cũng phản đối.

“Lúc đó, tôi cũng như nhiều chị em khác cảm thấy rất buồn nhưng mấy chị em vẫn cặm cụi làm, vừa tự thu gom rác của nhà mình, vừa đi vận động chị em khác. Khi đang trên đường, thấy có lon bia, vỏ chai nhựa là các chị dừng xe nhặt về để gom lại. Vất vả nhưng các chị em không nản chí mà vẫn kiên trì duy trì mô hình với quyết tâm “việc gì khó thì phải thực hiện cho bằng được”. Chị Phong tâm sự, từ 20 hộ gia đình hội viên tham gia ban đầu, đến nay đã tăng lên 91 hộ. Các hộ tham gia mô hình sẽ tự thu gom, phân loại rác ngay tại nhà. Đối với loại rác có thể tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn sẽ được các chị chủ động đưa đến nộp tại nhà Chi hội trưởng. Khoảng 3 tháng một lần, Chi hội tổ chức phân loại và bán để gây quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo.

Từ khi được tuyên truyền tham gia mô hình “Biến rác thải thành tiền”, chị Vi Thị Hương đã nhiệt tình hưởng ứng. Chị đâu ngờ rằng, giờ đây bản thân chị cũng được nhận số tiền thăm hỏi từ mô hình mình tham gia. Chị Hương chia sẻ: “Khi được các chị trong Chi hội đến thăm và động viên, tôi thực sự cảm động. Những lúc đau ốm có người quan tâm giúp tôi có thêm động lực vượt qua bệnh tật. Cũng là thành viên tham gia mô hình, tôi hiểu rằng, từng số tiền giúp người nghèo tuy ít ỏi nhưng mang ý nghĩa rất lớn về tấm lòng”.

Còn chị Vi Thị Xanh là hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn, hàng ngày chị phải vào rừng hái măng, lấy củi để bán nhưng cũng chỉ thu được 20-30 ngàn đồng/ngày. Nhận được sự hỗ trợ từ Chi hội Phụ nữ bản, chị Xanh rưng rưng cảm động: “Thời gian qua, tôi được Chi hội Phụ nữ bản cho gạo, hỗ trợ tiền để mua con giống, nhờ đó cuộc sống của tôi bớt đi phần nào khó khăn”.

Nói về hiệu quả mô hình, chị Hà Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Thuận cho biết: Mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Chi hội Phụ nữ bản Bông 2 là hoạt động vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa góp phần làm sạch đẹp môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hiện mô hình này chúng tôi sẽ nhân rộng và có những việc làm mới, cách làm hay như: Tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa các Chi hội Phụ nữ trong toàn xã để đưa mô hình ngày càng phát triển đi lên, lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng.

NGÔ HOÀI AN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.