Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hiệu quả từ “Dân vận khéo” của Đồn Biên phòng Huổi Luông

Trần Hoàng Anh - 06:57, 22/12/2022

Với phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", trong những năm qua, ngoài việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên địa bàn được phân công, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) còn luôn sâu sát cơ sở, ngày đêm bám nắm địa bàn để giúp đỡ chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông tuần tra bảo vệ biên giới
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông tuần tra bảo vệ biên giới

Tình quân dân như "cá với nước”

Có dịp đến thăm Đồn Biên phòng Huổi Luông vào một ngày cuối năm, vừa dịp Đại úy Phan Thành Nam, Đội trưởng Đội vận động quần chúng đang cùng một số cán bộ, chiến sĩ tay cuốc, tay xẻng đang chuẩn bị xuống giúp bà con bản Hồ Thầu làm đường giao thông nông thôn. 

Theo Đại úy Nam, Đồn Biên phòng Huổi Luông có nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài hơn 13 km với 9 điểm mốc, 15 cột mốc, địa bàn rộng với trên 7.000 nhân khẩu gồm có 4 dân tộc là Mông, Dao, Hà Nhì và Kinh sinh sống tại 21 bản rải rác trên các triền núi cao.Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án, chính sách nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn ngày càng được cải thiện.

 Để xây dựng thế trận lòng dân vùng biên giới vững chắc, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Huổi Luông thường xuyên thực hiện “ba bám, bốn cùng” với người dân, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Đã thành thông lệ, cứ 2 tuần 1 lần, Chi đoàn Đồn Biên phòng Huổi Luông lại phối hợp với Đoàn xã Huổi Luông ra quân tổ chức thực hiện mô hình “Ngày thứ 7 tình nguyện” để giúp Nhân dân các thôn, bản phát quang bụi rậm, thu dọn vệ sinh quanh khu dân cư; giúp các hộ dân khai hoang trồng các loại cây nông nghiệp có giá trị cao để tăng thu nhập gia đình.

Kể về những việc làm giúp dân của bộ đội biên phòng, ông Lý A Tro, Trưởng bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, hào hứng kể, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông thường xuyên xuống bản giúp đỡ bà con kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thu hoạch lúa, ngô, sắn, chuối. Nhờ vậy, cuộc sống bà con ngày càng ấm no, hạnh phúc. 

"Ở bản không còn học sinh bỏ học hay thất học vì nghèo nữa, không có người nghiện ma túy, không có tệ nạn trộm cắp, không còn tảo hôn. Bà con các bản làng biên giới luôn quý trọng, yêu mến và coi cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Huổi Luông như con em ruột thịt của mình", Trưởng bản khoe.

Vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình
Vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình

Nhiều mô hình hiệu quả

Thiếu tá Phạm Tuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: “Hiện nay, đơn vị đang phân công 28 đảng viên phụ trách 138 hộ là những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách... Đồng thời, phân công 11 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 11 chi bộ bản. Các đảng viên được phân công đã chủ động tham mưu, giúp các chi bộ các thôn, bản dự thảo nghị quyết lãnh đạo sát với tình hình thực tế, hoàn thiện hồ sơ, sổ sách theo đúng nguyên tắc, quy định.

Ngoài ra, các đảng viên cũng tích cực tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tâm tư, nguyện vọng của các gia đình mình phụ trách. Từ đó, đưa ra những tư vấn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc và trực tiếp giúp đỡ các gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống cho bà con”.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên địa bàn được phân công, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Huổi Luông còn triển khai tốt các mô hình an sinh xã hội. 

Đơn vị đã phối hợp trao tặng hàng ngàn suất quà cho hàng ngàn lượt hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; vận động xây dựng nhà ăn, bể nước, sân chơi cho các trường học trên địa bàn trị giá gần 200 triệu đồng; nhận đỡ đầu 2 em học sinh dân tộc Hà Nhì - Giàng Mì Xó (SN 2010), trú tại bản Can Thàng và Lý A Phú (SN 2009) trú tại bản Hồ Thầu trong chương trình “Nâng bước em tới trường”…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông giúp đỡ các hộ gia đình neo đơn, gia đình chính sách khai hoang, trồng các loại cây nông nghiệp.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông giúp đỡ các hộ gia đình neo đơn, gia đình chính sách khai hoang, trồng các loại cây nông nghiệp.

Đặc biệt để giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, xóa bỏ hủ tục, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất.

Từ năm 2014 đến nay, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng 4 mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế như: Mô hình trồng chuối thương phẩm, mô hình trồng ngô lai, mô hình nuôi lợn sinh sản và mô hình nuôi bò giống luân chuyển. 

Các mô hình sau khi được đưa vào thí điểm đều đạt hiệu quả và được người dân nhiệt tình tham gia. Trong đó, mô hình trồng chuối thương phẩm đã được nhân rộng trong toàn xã, với tổng diện tích 910 ha. Cây chuối hiện nay cũng là cây chủ lực giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn tích cực ra quân đóng góp hàng trăm ngày công lao động, giúp Nhân dân làm đường giao thông nông thôn, khai phá đất hoang trồng cây lúa nước, nuôi cá, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Nói về những việc làm của các chiến sĩ áo xanh, ông Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông cảm kích: “Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con, giúp xã Huổi Luông đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; nâng mức thu nhập từ 33 triệu đồng lên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,9% xuống còn 10,4% (2021)”. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.