Những người truyền cảm hứng
Nói về những nghệ nhân luôn gắn bó và dành tình yêu cho những di sản văn hóa Ba Na trên vùng cao Vĩnh Thạnh, Bình Định, không thể không nhắc đến ông Yang Danh. Từ thời thơ ấu, những phong tục, tập quán, văn hoá của đồng bào Ba Na đã ngấm vào ông như một phần máu thịt. Với lợi thế về phương pháp sư phạm, lại có kiến thức về văn hoá, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Ba Na nên khi ông truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ.
Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian để gặp gỡ các nghệ nhân sưu tầm tư liệu cổ biên soạn, ghi chép lại. Trong đó, nhiều áng thơ ca, phong tục của đồng bào đã được ông biên soạn, đóng quyển cẩn thận để làm tài liệu truyền dạy cho dân tộc mình. Dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Yang Danh vẫn ngày ngày đi dạy tiếng, chữ Ba Na (nhóm Ba Na K’riêm), truyền dạy phong tục, nghi lễ văn hoá dân tộc Ba Na và cách đánh cồng chiêng cho lớp trẻ.
Ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, nghệ nhân ưu tú Đinh Chương cũng là người “giữ hồn” văn hóa truyền thống của buôn làng Ba Na. Hiện, ông nắm giữ rất nhiều bài bản trường ca, truyện cổ tích Ba Na. Đã ngoài tuổi 70, nhưng nghệ nhân Đinh Chương vẫn ngày ngày truyền dạy cồng chiêng, dân ca, cách đan đát, làm một số nhạc cụ bằng tre nứa cho các cháu tại làng K8 (xã Vĩnh Sơn).
Say đắm với cồng chiêng và trăn trở với việc con em làng mình không hứng thú với nhạc cụ truyền thống này, không quản ngại khó khăn, nghệ nhân Đinh Kim, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh lặn lội đến từng nhà kêu gọi lớp trẻ học đánh cồng chiêng. Ban đầu là nể người già, thương cái tha thiết của nghệ nhân Đinh Kim, về sau không ít người dần dần ham thích tiếng cồng tiếng chiêng. Nhờ đó, ở mỗi làng của xã Vĩnh Thịnh đều có đội cồng chiêng thường xuyên hoạt động. Đặc biệt, nhờ ông mà K8 là làng duy nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có tới 3 đội cồng chiêng, với 3 thế hệ thanh niên, thiếu niên và người cao tuổi luôn sẵn sàng trình diễn.
Còn ở huyện Vân Canh, già làng Lê Văn Ru được xem là người có tình yêu say đắm với cồng chiêng và luôn nhiệt huyết với văn hóa truyền thống. Già Ru kể: Già đã học cách đánh cồng chiêng từ lúc còn thanh niên. Ban đầu, mình học “lỏm” từ già làng, các nghệ nhân thông qua các buổi tập văn nghệ lâu dần, thấy tiếng cồng chiêng thấm dần vào máu thịt nên tìm đến tận nhà già làng nhờ chỉ dạy và đến bây giờ, cồng chiêng đã thấm vào máu thịt, không thể dứt ra được.
Tiếp nối cho mai sau...
Từ ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, các nghệ nhân ở các huyện miền núi tỉnh Bình Định, đã chú trọng kết hợp việc biểu diễn với việc truyền dạy cho lớp trẻ nhằm duy trì, phát triển đội ngũ kế cận. Đây chính là phương thức hiệu quả để khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống và trao truyền trách nhiệm giữ gìn vốn quý của cha ông cho thế hệ trẻ.
Để tạo không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống, vào các ngày lễ lớn của đất nước, hay những dịp lễ, ngày hội truyền thống của làng, huyện Vĩnh Thạnh khuyến khích các xã, làng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Huyện đoàn Vĩnh Thạnh cũng đã thành lập các CLB thanh niên tham gia bảo tồn cồng chiêng. Nhờ đó, các nghệ nhân ở các làng có cơ hội tham gia biểu diễn, con cháu có cơ hội học hỏi. Cũng chính từ những hoạt động này đã khơi dậy trong thanh thiếu niên tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Trường THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh, cũng là một trong những đơn vị điển hình trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Trường thường xuyên mời các nghệ nhân tiêu biểu đến giảng dạy cho học sinh theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thanh thiếu niên, chọn lựa hạt nhân kế cận. CLB cồng chiêng của trường hiện có gần 30 thanh niên nòng cốt.
Để thu hút thêm thành viên tham gia, Ban Giám hiệu nhà trường và Đoàn trường, còn tổ chức các chi hội CLB cồng chiêng thanh niên tại 15 lớp. Vào những ngày lễ lớn, kỷ niệm ngày thành lập trường, khai giảng… đội cồng chiêng tham gia tập luyện, biểu diễn.
Tại huyện An Lão, thực hiện chương trình hành động số 07 của Huyện ủy, trong những ngày qua, Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao An Lão, đã mở các lớp tập huấn cồng chiêng cho các đội văn nghệ các xã, thị trấn. Đặc biệt là các em học sinh ở các trường nội trú, bán trú trên địa bàn; đây là thế hệ trẻ tương lai sau này sẽ duy trì, bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người đồng bào DTTS.
Tại các lớp tập huấn những học viên được các nghệ nhân, anh, chị đi trước có kinh nghiệm trong việc đánh cồng chiêng và có năng khiếu về biểu diễn hướng dẫn từng động tác cơ bản, nhất là trong nghệ thuật cồng chiêng.
Từ khi còn ngại ngùng khi lần đầu được tận tay gõ từng nhịp chiêng, qua thời gian với sự hướng dẫn tận tình của nhiều anh, chị thế hệ đi trước, từng thành viên trong đội ngày càng thuần thục, kết hợp ăn ý. Đội cồng chiêng dần quen và yêu thích âm thanh trầm bổng của loại nhạc cụ dân tộc độc đáo cồng chiêng.
Em Đinh Thị Hoàng tâm sự: "Đây là lần đầu tiên em được tập đánh cồng chiêng. Qua mỗi buổi học, lắng nghe từng nhịp, phách âm thanh cồng chiêng em rất thích thú và say mê luôn. Ngoài giờ đi học, giúp lúc nào không biết sẽ thường xuyên luyện tập để thuần thục, đồng thời kêu gọi các bạn cùng tập đánh cồng chiêng.
Có thể nói, việc gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, khơi dậy niềm đam mê văn hóa cồng chiêng, nhất là thế hệ trẻ, những mầm non tương lai của người đồng bào DTTS là việc làm hết sức thiết thực.
Hiện nay, trong vai trò truyền dạy và quan trọng hơn cả là “truyền lửa”, các nghệ nhân lớn tuổi không chỉ hướng dẫn cặn kẽ cách đánh cồng chiêng; trao truyền các bài chiêng cơ bản, đặc trưng nhất của từng dân tộc, và hơn hết là họ đã gặt hái được nhiều kết quả trong việc lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng.