Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

PV - 15:37, 17/07/2018

Những diện tích rừng giao khoán cho hộ gia đình và cộng đồng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thường hiệu quả, ít khi xảy ra mất rừng. Thấy được hiệu quả của chính sách này và cũng để góp phần nâng cao đời sống cho người dân sống gần rừng, năm 2018, UBND tỉnh Kon Tum điều chỉnh Phương án khoán quản lý, bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020 theo hướng tăng diện tích rừng giao khoán cho hộ gia đình và cộng đồng.

chính sách Rừng giao khoán cho dân được quản lý bảo vệ tốt.

Giữ được rừng và nâng cao đời sống người dân

Đến thôn 13, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) tìm hiểu về vấn đề nhận khoán, bảo vệ rừng tại cộng đồng, chúng tôi nhận thấy những khu rừng đang hồi sinh từ ý thức bảo vệ rừng được giao của người dân. Ông A Điểm, Trưởng thôn 13 khẳng định, từ nhiều năm nay, người dân trong cộng đồng không để xảy ra mất rừng. Hơn 500ha rừng giao cho cộng đồng thôn được quản lý bảo vệ tốt, gắn quyền lợi với trách nhiệm. Cộng đồng thôn chia ra từng tổ để thay nhau giữ rừng. Khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng chia đều cho từng hộ, còn lại lập quỹ phát triển thôn giúp các hộ khó khăn mượn vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo. Bà con ai cũng phấn khởi, cùng nhau giữ rừng.

Ở làng Bargoc, xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy), người dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng còn được Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray và UBND huyện Sa Thầy hỗ trợ trồng 20ha sa nhân tím dưới tán rừng. “Chúng tôi còn được Ban Quản lý Vườn chi trả 400 nghìn đồng/ha rừng/năm theo chính sách dịch vụ môi trường rừng. Nhận khoán bảo vệ kết hợp với trồng sa nhân dưới tán rừng, bà con không để lâm tặc xâm hại rừng, không ai dám phá rừng làm nương rẫy trái phép”, A Rứ-một hộ nhận khoán rừng quả quyết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Xuân Thủy, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cũng đánh giá cao ý thức người dân tham gia bảo vệ rừng. Gắn quyền lợi với trách nhiệm, sau này khi cây sa nhân đi vào khai thác, người dân sẽ có thêm nguồn thu đáng kể dưới tán rừng từ trồng sa nhân.

Ở thôn Đăk Xanh, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô), người dân nhận đất, nhận rừng theo chủ trương, chính sách giao đất, giao rừng trước đây cũng đang quản lý, bảo vệ tốt vốn rừng được giao. Ông A Ma Ni-hộ được giao đất, giao rừng khẳng định, kể từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, gia đình ông cũng như các hộ được giao đất, giao rừng không để xảy ra mất rừng.

“Nếu mình để mất rừng, Nhà nước thu lại, gia đình sẽ không có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Hơn nữa, rừng mình quản lý là rừng đầu nguồn, nếu mất rừng sẽ thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, trong quá trình nhận đất, nhận rừng, bà con thường xuyên đi kiểm tra, bảo vệ rừng”, A Ma Ni bộc bạch.

Tiếp tục tăng diện tích rừng giao khoán

Theo ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết, tỉnh Kon Tum có 361.569,40ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, trong đó có 44,862.59ha rừng giao cho 3.612 hộ gia đình và 22 cộng đồng quản lý, bảo vệ. Còn lại là diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và UBND xã, thị trấn quản lý.

Toàn bộ nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, sau khi trừ đi chí phí quản lý, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh chuyển về cho các chủ rừng. Tính từ đầu năm 2017 đến hết tháng 4/2018, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh giải ngân cho các chủ rừng 212,20 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, trong đó có 27,74 tỷ đồng cho các hộ gia đình và cộng đồng.

Ông Hoàng cũng khẳng định, hàng năm, sau khi nghiệm thu rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả kịp thời cho các ban chi trả dịch vụ môi trường huyện để các ban này chi trả cho hộ gia đình và cộng đồng theo đúng quy định.

Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hộ gia đình sống gần rừng có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ việc quản lý bảo vệ rừng. Nhiều cộng đồng đã lập quỹ phát triển cộng đồng, sau khi chia 50% số tiền cho các hộ tham gia bảo vệ rừng và giữ lại một ít để hoạt động. Số tiền còn lại, cộng đồng hỗ trợ cho các hộ khó khăn mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đang góp phần tích cực cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Hướng đến việc tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng và hộ gia đình, ngoài diện tích rừng và đất rừng giao cho các gia đình quản lý trước đây, ngày 22/5/2018 UBND tỉnh có quyết định 501/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt điều chỉnh phương án khoán quản lý, bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

Theo Phương án này, tỉnh sẽ điều chỉnh, giao khoán thêm nhiều diện tích rừng về cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý, bảo vệ. Người dân, cộng đồng sống gần rừng sẽ có thêm nguồn thu đáng kể từ rừng.

VĂN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.