Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả mô hình đội thuyền tự quản trên sông, suối, biên giới

Lê Thạch - 16:04, 29/11/2022

Không chỉ chở người, hàng hóa lưu thông; hành nghề chài lưới mưu sinh trên sông, suối biên giới mà giờ đây, các thành viên Đội thuyền tự quản, đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời là các tuyên truyền viên tích cực vận động người dân khu vực biên giới nắm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới... Kết quả này, có sự đóng góp quan trọng của Đồn Biên phòng Mỹ Lý, với mô hình “Đội thuyền tự quản trên sông suối biên giới”.

(Chuyên đề Bộ Tư Pháp- Hoàng Thanh): Hiệu quả mô hình Đội thuyền tự quản trên sông suối biên giới
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý (BĐBP Nghệ An) tham gia một buổi sinh hoạt của Đội thuyền tự quản trên sông suối biên giới xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn

Đồn Biên phòng Mỹ Lý (BĐBP Nghệ An) chịu trách nhiệm quản lý đoạn đường biên giới  dài 48,468 km (trong đó, có 36,918km trên sông và 11,550 km trên đất liền) với 9 cột mốc từ 389 - 397, gắn liền với địa giới hành chính của 2 xã Mỹ Lý và Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; tiếp giáp với 2 Cụm bản Lọong Cắng và Mường Dương, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Trước đây, các thuyền hoạt động trên sông, suối của người dân địa phương xuất phát từ nhu cầu của cư dân biên giới, hoạt động mang tính tự phát, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế quản lý biên giới. Cá biệt, đã có trường hợp chủ thuyền móc nối, tiếp tay, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép bằng thuyền qua sông biên giới, đã bị đơn vị phát hiện và xử lý theo quy định. Để đưa các hoạt động đi vào nền nếp, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Mỹ Lý xây dựng mô hình “Đội thuyền tự quản trên sông suối biên giới”.

Mô hình nhằm phát huy năng lực tự quản trong các chủ thuyền đang hoạt động trên sông, suối biên giới; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quản lý chặt chẽ hoạt động; ngăn ngừa các hành vi vi phạm (có thể có) của các chủ thuyền. Từ đó, các chủ thuyền phối hợp chặt chẽ với đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép... góp phần xây dựng nền biên phòng rộng khắp, vững mạnh.

Giữa năm 2021, nhờ nguồn tin báo về những biểu hiện bất thường của các vị “khách lạ” đi thuyền trên dòng sông Nậm Nơn hướng về biên giới Việt Nam - Lào của thành viên Đội thuyền tự quản, Đồn Biên phòng Mỹ Lý (BĐBP Nghệ An) đã nhanh chóng cử lực lượng xác minh, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý 2 đối tượng về hành vi tổ chức cho 5 người khác xuất cảnh trái phép qua biên giới. Và kể từ khi thành lập đến nay, các thành viên Đội thuyền đã cung cấp cho Đồn Biên phòng Mỹ Lý 10 nguồn tin, trong đó có 5 tin về hoạt động vi phạm quy chế biên giới. Đơn vị đã phối hợp lực lượng chức năng bắt, khởi tố 1 vụ/2 đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ/4 đối tượng số tiền 12 triệu đồng về hành vi xuất nhập cảnh trái phép.

Đại úy Phan Đức Tâm - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý, cho biết: Đơn vị đã chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các chủ thuyền tự nguyện tham gia đội tự quản, hỗ trợ kinh phí ban đầu để Đội thuyền tự quản hoạt động. Lựa chọn các thành viên có uy tín để thành lập ban liên lạc (thường trực) đội thuyền tự quản. Cử cán bộ địa bàn hướng dẫn đội thuyền tự quản hoạt động có nền nếp. Thường xuyên tham gia sinh hoạt cùng Đội thuyền tự quản, kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật, tuyên truyền các quy định bảo đảm an toàn giao thông đường thủy...

Các thành viên tham gia đội thuyền tự quản đều có bản cam kết: Kịp thời thông báo cho Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương các hoạt động, hành vi xâp phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, như: Làm hư hỏng, hủy hoại, xê dịch hoặc mất mốc biên giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, các biển báo và công trình biên giới; làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới hoặc làm thay đổi đường biên giới quốc gia trên sông, suối; cư trú, đi lại, khai thác lâm thổ sản, khoáng sản trái phép trong khu vực biên giới; dùng chất nổ, kích điện hoặc các chất độc hại đánh bắt thủy sản ở sông, suối biên giới; xâm canh, xâm cư, săn bắn, chăn thả gia súc, chôn cất, di chuyển mồ mả trái phép qua biên giới; buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, chất cấm, tội phạm mua bán người và hoạt động đưa, đón người vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới…

Nhờ có Đội Thuyền tự quản mà tình trạng “tiếp tay” cho các hoạt động vi phạm pháp luật, lộn xộn khi hoạt động trên sông, suối không còn xảy ra
Nhờ có Đội Thuyền tự quản mà tình trạng “tiếp tay” cho các hoạt động vi phạm pháp luật, lộn xộn khi hoạt động trên sông, suối không còn xảy ra

Đặc biệt, các thành viên cũng cam kết tích cực tham gia, phối hợp với Đồn Biên phòng trong triển khai các hoạt động bảo vệ biên giới; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tuyên truyền, vận động mọi người nắm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và chương trình, kế hoạch của địa phương về đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới.

Anh Lô Văn Sơn (bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn), Tổ trưởng tổ 1, Đội thuyền tự quản, cho biết: Trước khi tham gia đội thuyền tự quản chúng tôi cũng chưa hiểu biết được hết những quy định về quốc gia, quốc giới. Nay được sinh hoạt trong đội thuyền, được thường xuyên tiếp thu kiến thức mới, các thành viên hiểu rõ thêm về quốc gia, quốc giới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn trật an toàn xã hội khu vực biên giới”.

Ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, đánh giá: Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, chúng tôi thấy mô hình Đội thuyền tự quản đã mang lại những hiệu quả tích cực. Các thành viên đã được thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức về biên giới, quốc gia, quốc giới, pháp luật. Đồng thời mỗi thành viên là các tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền vận động người thân, người dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Theo đó, các hành vi vi phạm, xâm phạm an ninh biên giới đều được thông tin để lực lượng chức năng kịp thời xử lý. Và đặc biệt, tình trạng “tiếp tay” cho các hoạt động vi phạm pháp luật, lộn xộn khi hoạt động trên sông, suối không còn xảy ra.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.