Mấy năm trước đây, gia đình ông Giàng Seo Hồ ở thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư, thuộc diện hộ nghèo trong xã. Đất đai có nhưng bao năm nay ông Hồ cũng như bà con trong thôn chủ yếu trồng ngô, trồng lúa; dù vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, những năm gặp thiên tai, hạn hán thì nguy cơ mất mùa luôn hiện hữu.
Hơn 3 năm trở về trước, ông Hồ và một số hộ gia đình được hỗ trợ giống, vốn để triển khai trồng cây dược liệu (đương quy). Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng việc tuân thủ tốt các quy trình chăm sóc, diện tích cây dược liệu của các hộ gia đình trong xã sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ đầu tiên đã cho gia đình ông Hồ thu nhập hơn 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, trồng lúa.
“Để chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, người dân được hỗ trợ cho mỗi ha 80 triệu đồng. Nói chung, trồng cây dược liệu cũng không vất vả như trồng lúa, trồng ngô mà lại cho thu nhập cao hơn nhiều. Năm 2018 gia đình không những thoát nghèo mà còn có tiền mua sắm được ti vi, xe máy… Các con được đi học đầy đủ”, ông Hồ tâm sự.
Những hộ có thu nhập khá như gia đình ông Hồ trên địa bàn huyện Bắc Hà không phải là hiếm. Ông Đoàn Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bắc Hà là 1 trong 3 huyện 30a của tỉnh Lào Cai với 81% đồng bào DTTS. Trong đó, có 17 xã đặc biệt khó khăn, 3 xã khu vực II, tỷ lệ hộ nghèo còn 28,25%. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, các Chương trình 135, 30a… đã thực sự là nguồn lực quan trọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của huyện. Cụ thể, đến nay, 100% số xã đã có đường bê tông đến trung tâm xã, 100% số xã có trạm y tế… Trong năm 2018 huyện Bắc Hà đã giảm được trên 1.300 hộ nghèo, giảm 10,6%.
Đặc biệt trong việc triển khai các chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019, Chương trình 135 đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 314 công trình, với tổng nguồn vốn trên 127 tỷ đồng. Các công trình đã phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao, đời sống đồng bào trên địa bàn huyện được cải thiện. Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ cho đồng bào sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2014-2018 gần 30 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả như: Cây lê, mận Tả Van, trồng dược liệu, nuôi các giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế như gà đen, lợn đen…
“Chúng tôi đã triển khai đầy đủ các nội dung của Chương trình như 30a, 135, Chương trình hỗ trợ bảo hiểm y tế, Chương trình hỗ trợ học sinh dân tộc nội trú, bán trú… Có thể khẳng định, trong thời gian qua, tất cả chương trình hỗ trợ cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được triển khai nghiêm túc, đúng qui định”, ông Tuyến cho biết thêm.
Nhìn tổng thể, Chương trình 135, Nghị quyết 30a và một số chương trình hỗ trợ cho đồng bào DTTS đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua chính là động lực để huyện Bắc Hà tiếp tục triển khai, thực hiện áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, theo hướng hiệu quả bền vững.
“Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho đồng bào DTTS, chúng tôi tiếp tục quan tâm, lồng ghép các chương trình dự án trong quá trình triển khai. Chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nâng cao công tác phối hợp, liên kết, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho Nhân dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục hoàn thành tốt hơn các mục tiêu mà Đại hội Đại biểu các DTTS huyện đề ra trong giai đoạn tới 2019-2024”, ông Tuyến nhấn mạnh.
TRỌNG BẢO