Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả chính sách dân tộc giúp huyện nghèo phát triển

PV - 13:55, 22/05/2019

Thường Xuân là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước và là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS ở huyện Thường Xuân đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, từng bước góp phần thay đổi diện mạo địa phương và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Nhiều mô hình cây trồng đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tại địa phương. Nhiều mô hình cây trồng đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tại địa phương.

Tranh thủ nguồn lực đầu tư

Từ năm 2014 đến nay, Thường Xuân được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án như: Chương trình 30a, 135 và Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Tổng số nguồn vốn đầu tư từ các chương trình giai đoạn 2014-2019 trên địa bàn huyện là trên 306,312 tỷ đồng. Nhờ đó, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 299 công trình về giao thông, trường học, công sở, nhà văn hóa…

Hiện nay 100% các xã, thị trấn có đường ô tô nhựa hóa đến trung tâm, có trụ sở làm việc được xây dựng khang trang, được sử dụng điện lưới quốc gia; 96,5% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực, trong giai đoạn 2014-2019, huyện được hỗ trợ: 37,029 tỷ đồng từ Chương trình 30a và 135, triển khai hỗ trợ cho 16.723 lượt hộ để mua giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao và xây dựng các mô hình.

Theo đó, đã có nhiều mô hình thực hiện hiệu quả được nhân rộng, như: mô hình nuôi lợn nái sinh sản, mô hình thâm canh lúa bằng phân viên dúi sâu, nuôi ong lấy mật, trồng cây ớt, ngô, trồng thanh long ruột đỏ, cam, mít thái, phát triển vùng trồng rau sạch…

Ông Vi Văn Thành, thôn Tân Thắng, xã Xuân Thắng cho biết, nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 10ha rừng, kết hợp với chăn nuôi 30 con trâu, bò. Đồng thời, trồng và phát triển rừng gỗ lớn với hàng nghìn cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: lát, dổi, sưa... Mỗi năm cho gia đình ông thu nhập trên 400 triệu đồng.

Trong số các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, phải kể đến các chính sách hỗ trợ cho học sinh thuộc hộ nghèo vùng ĐBKK đi học, hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở cho học sinh bán trú; Hỗ trợ cho sinh viên được vay vốn bảo đảm việc học tập và các chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên… Các chương trình này được thực hiện tốt đã giúp cho hàng trăm học sinh, sinh viên DTTS có cơ hội được đến trường. Nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ trẻ có năng lực trở về phục vụ chính mảnh đất quê hương Thường Xuân.

Một con số đáng tự hào khác là, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 của huyện Thường Xuân chỉ còn 13,77%, giảm 10,28% so với năm 2014. Số hộ DTTS nghèo hiện nay là 2.604 hộ, chiếm 19,73% tổng số hộ DTTS (giảm 1955 hộ so với năm 2014).

Những mục tiêu mới

Trong giai đoạn từ năm 2015-2018, huyện Thường Xuân đã huy động được 865,497 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện đã đạt 235 tiêu chí NTM, tăng 15 tiêu chí so năm 2017; đã có 3 xã và 20 thôn đạt chuẩn NTM. Đặc biệt có 1 xã được công nhân đạt chuẩn NTM đầu tiên trong 7 huyện nghèo của tỉnh, đó là xã Ngọc Phụng.

Ông Lê Xuân Đấu, Bí thư xã Ngọc Phụng cho biết, nhờ vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, xã đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt mục tiêu về đích NTM.

“Trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trước đây và hiện nay là xây dựng NTM kiểu mẫu, bài học kinh nghiệm là mọi việc phải dân chủ, công khai, minh bạch và đặc biệt là phải nêu bật những tấm gương điển hình tiên tiến, cán bộ phải đi trước”, ông Đấu chia sẻ.

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đánh giá: Trong 5 năm qua, nhờ sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sát, đúng với thực tiễn của địa phương, toàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng về mọi mặt. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và khá bền vững.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó, nhiều chính sách dân tộc đặc thù còn mang tính giải quyết tình thế trước mắt, chưa thật sự có tác dụng khơi dậy và tạo đà để phát huy mạnh mẽ khả năng tự lực, tự cường vươn lên phát triển bền vững về mọi mặt trong đồng bào các DTTS.

Theo đó, Thường Xuân đặt ra quyết tâm trong giai đoạn từ năm 2019-2024, huyện sẽ tập trung vào các mục tiêu như: phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS theo hướng bền vững; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng DTTS để phát triển kinh tế; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ là người DTTS; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc...

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.