Tăng mức đầu tư cho miền núi
Từ năm 2011, Khánh Hòa là địa phương tiên phong đưa Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trở thành một trong những chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh. Qua hơn 10 năm, tỉnh đã dành nguồn lực để đầu tư phát triển khu vực này. Tuy nhiên, chênh lệch phát triển giữa miền núi và miền xuôi vẫn còn khá xa, đời sống của đồng bào DTTS vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc thoát nghèo chưa bền vững, chất lượng cuộc sống còn thấp…
Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, đưa mức thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (trên 28 triệu đồng/người/năm) và giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm 4 - 5%; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 35% số xã vùng dồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn NTM; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn; 60% số hộ đồng bào DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí ở những nơi cần thiết
Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng, bổ sung các chính sách phù hợp, bố trí đủ vốn tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm dần các chính sách mang tính hỗ trợ gây tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo; chuyển sang đầu tư phát triển, tăng cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ...
Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của từng địa phương và phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào các dân tộc. Xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, trang bị các kỹ năng trong lao động sản xuất cho đồng bào DTTS. Khuyến khích xây dựng, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ... để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt… cho người dân; có chính sách quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS...
Ông Đặng Văn Tuấn,Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết, để tập trung phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết số 09 ngày 11/1/2021 của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước tăng ít nhất 1,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020, để đầu tư thực hiện chương trình; Đồng thời, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác đang thực hiện, để đầu tư hiệu quả cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương của huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, chúng tôi nhận thấy, ở nơi nào chính quyền cơ sở thực sự vào cuộc, cán bộ tâm huyết với câu chuyện xóa nghèo cho đồng bào DTTS, thì nơi đó đời sống kinh tế của người dân mới thực sự được nâng cao.
Đơn cử như tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn là địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn và nhiều hộ dân đã có thu nhập cao từ loại cây trồng này. Theo ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, sầu riêng là cây khó trồng. Vì vậy, để các hộ dân nắm bắt được kỹ thuật, thay vì mời các hộ lên hội trường nghe tập huấn kiến thức, địa phương tổ chức những lớp học trực quan ngay tại vườn, cầm tay, chỉ việc tại chỗ, từ trồng, chăm sóc, thu hoạch... Nhờ cách làm này, mà các hộ tham gia đều biết cách chăm sóc cây sầu riêng.
Hay như chuyện lãnh đạo các xã Sơn Bình, Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn đi vận động các nhà vườn lớn trên địa bàn, nhận những thanh niên người DTTS vào làm việc để vừa có thu nhập, vừa có kinh nghiệm trồng cây, từ đó áp dụng vào vườn cây nhà mình.
Một số địa phương ở Khánh Vĩnh phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phụ trách, giúp đỡ từng hộ đồng bào DTTS thoát nghèo; xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành trách nhiệm của cán bộ, đảng viên...
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Khánh Sơn xác định sẽ khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng lợi thế, để sớm thoát khỏi huyện nghèo. Ông Mấu Thái Cư, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho biết: Để làm được điều này, huyện sẽ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư để hình thành vùng chuyên canh nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng các trang trại trồng cây ăn quả, xây dựng các nhà vườn kiểu mẫu...; hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ gắn với du lịch, phát triển các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan miệt vườn; quảng bá thương hiệu nông sản để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương…
“Một trong những giải pháp trọng tâm huyện đề ra là, triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 5%...”, ông Cư cho biết thêm.
Còn tại huyện Khánh Vĩnh, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết riêng để lãnh đạo thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh chia sẻ: Địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là mô hình trồng bưởi da xanh nhằm tạo ra sản phẩm đặc sản của từng địa phương có giá trị cao. Từ đó, tạo động lực cho quá trình giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân địa phương so với bình quân chung của tỉnh...
Để định hướng cho sự phát triển của các địa phương miền núi trong tỉnh, ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu, các địa phương chú trọng khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của mình, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh phát triển KT-XH một cách vững chắc, để miền núi ngày càng gần hơn với miền xuôi.