Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Hiện đại hóa nông thôn ở vùng cao: Cần hài hòa để giữ được bản sắc văn hóa

Giang Lam - 09:17, 09/06/2023

Làng quê Việt Nam ngày càng phát triển với diện mạo mới, nhưng cũng đang chứng kiến những thay đổi từ hình thái không gian, kiến trúc và những giá trị cốt lõi về bản sắc văn hóa, về đời sống tinh thần. Tuyên Quang cũng không nằm ngoài thực trạng đó. Nhiều căn nhà, công trình mọc lên với kiến trúc xa lạ, không phù hợp với không gian văn hóa, bản sắc vùng cao.

Nhà sàn ở Tân Trào, Sơn Dương tạo cảnh quan đẹp, đặc trưng thu hút khách du lịch.
Nhà sàn ở Tân Trào, Sơn Dương tạo cảnh quan đẹp, đặc trưng thu hút khách du lịch

Những công trình lạc lõng

Nói tới làng quê nơi miền xuôi, ai cũng liên tưởng tới hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà mái ngói với hàng cau trước sân. Còn ở miền núi là không gian bản làng với mái nhà sàn lợp lá, ao cá, vườn rau... hòa lẫn vào màu xanh núi rừng bình yên.

Thế nhưng, theo dòng chảy thời gian, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Nhiều xóm làng miền xuôi cũng như miền ngược đang “thay da đổi thịt” trong sự thiếu quy hoạch. Việc xây dựng nhà ở của người dân hiện nay chưa có định hướng kiến trúc cụ thể, kiến trúc nhà ở pha tạp đang làm mất dần bản sắc miền quê Việt Nam.

Kiến trúc sư Phạm Văn Bóng - hội viên Hội Kiến trúc sư tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, thật tiếc khi kinh tế ngày càng phát triển, thì những căn nhà truyền thống của đồng bào lại mất dần. Nhiều bà con khi xây nhà mới chỉ nghĩ xây sao cho to hơn, rộng hơn. Có khi lại nghe tư vấn của thợ xây không am hiểu văn hóa đồng bào nên đã làm những căn nhà xây rất tốn kém. 

Tuy nhiên, nếu so sánh với căn nhà truyền thống thì nhà xây hiện đại đó, lại thua kém cả về công năng sử dụng lẫn yếu tố kỹ thuật như lấy ánh sáng, gió trời… Thực tế với số kinh phí đó, có thể kết hợp được yếu tố hiện đại và truyền thống để xây dựng một căn nhà tiện nghi, hài hòa với không gian bản làng.

Nhìn về xã Phù Lưu (Hàm Yên), là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó riêng dân tộc Tày, Dao chiếm 90%, sống tập trung theo từng bản, với vài chục nóc nhà. Ngôi nhà truyền thống của người Tày, Dao là nhà sàn. Tuy nhiên hiện nay, số lượng nhà sàn không còn nhiều. Các hộ dân chuyển sang ở nhà trệt, nhà tầng, hoặc nhà sàn nhưng bê tông hóa, có sự cải biên cả về quy mô cũng như bài trí nội thất…

1. Những ngôi nhà sàn được bảo tồn, giữ gìn trở thành điểm đến của khách du lịch. (Trong ảnh: Ngôi nhà sàn của anh Chẩu Xuân Việt, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (huyện Lâm Bình).
Những ngôi nhà sàn được bảo tồn, giữ gìn trở thành điểm đến của khách du lịch. (Trong ảnh: Ngôi nhà sàn của anh Chẩu Xuân Việt, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (huyện Lâm Bình).

Hay những xã ven thị trấn các huyện như xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), xã Nhân Mục (Hàm Yên), xã Thắng Quân (Yên Sơn)…, tốc độ đô thị hóa cũng làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Nhiều hộ dân có điều kiện nên phá bỏ nhà cũ, xây dựng nhà mới. Những căn nhà to lớn, rộng rãi được xây dựng tốn kém, nhưng lại chưa hài hòa với cảnh sắc bản làng, rừng núi và không gian nơi đây.

Bên cạnh đó, “cơn lốc đô thị hóa” đã len lỏi đến nhiều bản làng, kinh tế mở cửa, sự biến đổi trên khá manh mún và tự phát của chợ, nhà xưởng sản xuất, công trình công cộng… không đồng bộ, hoàn chỉnh trong nhiều năm. Từ đó dẫn đến, phần lớn các không gian văn hóa làng truyền thống trong quá trình phát triển đã rơi vào tình trạng biến đổi cấu trúc, phá vỡ cảnh quan.

Hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc

Tại Đại hội Hội Kiến trúc sư tỉnh Tuyên Quang mới đây, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã dẫn ra nguyên nhân của tình trạng này. Đó là do tốc độ phát triển xã hội, đô thị diễn ra mạnh mẽ dẫn đến nguy cơ xâm hại không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với nhiều làng Việt hiện nay. Bên cạnh đó, do không có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiếu định hướng quy hoạch kiến trúc nông thôn, dẫn đến cảnh quan nông thôn đang bị phá vỡ, mất dần bản sắc và kiến trúc truyền thống.

Thực tế cho thấy, những đề án phát triển nông thôn đang tập trung vào những chỉ số phát triển kinh tế, các tiêu chí về “điện - đường - trường - trạm”, còn không gian làng bản, kiến trúc nhà cửa chưa thực sự được đề cao. Các bản quy hoạch chưa đi sâu vào yếu tố then chốt là văn hóa để có điểm tựa cho phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, có rất nhiều làng, hay vùng nông thôn có giá trị lịch sử cần được bảo tồn nhưng cũng chưa được quan tâm đúng mức. Người dân loay hoay tự giải quyết mọi vấn đề theo cách nhìn, cách nghĩ của họ. Rất nhiều làng quê đã từng là không gian đẹp đi vào các tác phẩm nghệ thuật, nhưng nay đã thay đổi đến ngỡ ngàng, để lại sự tiếc nuối ngậm ngùi cho những người yêu văn hóa truyền thống.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang chia sẻ, thời gian qua, Hội đã tập hợp động viên các hội viên, các kiến trúc sư thiết kế kiến trúc và quy hoạch xây dựng hàng trăm công trình vừa và nhỏ, từ đô thị đến nông thôn. Đặc biệt, Hội đã động viên các kiến trúc sư tham gia vào Chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới, đã quy hoạch trung tâm các xã điểm, thiết kế các mẫu nhà ở nông thôn, nhà văn hóa.

Nếp nhà sàn của người dân thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (huyện Chiêm Hóa).
Nếp nhà sàn của người dân thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (huyện Chiêm Hóa) mang lại cho chúng ta sự yên bình

Kinh nghiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống ở các xã huyện Lâm Bình, Na Hang có thể là một minh chứng thành công. Những ngôi nhà truyền thống của người Tày ở các xã Lăng Can, Thượng Lâm (huyện Lâm Bình), người Dao ở xã Hồng Thái (huyện Na Hang)... được khôi phục, giữ gìn.

Tại huyện Lâm Bình, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện - Lê Tiến Đạt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là không gian văn hóa truyền thống của từng bản làng. 

Đối với những thôn đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã vận động, khuyến khích người dân xây dựng nhà ở kết hợp được yếu tố hiện đại và truyền thống. Nhờ đó, nhiều thôn, bản đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo nguồn thu nhập cho chính người dân.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Chỉ thị nêu rõ mục tiêu: Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội. Giữ gìn bản sắc, kiến trúc nông thôn vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa dài lâu cho mục tiêu phát triển bền vững.

Việc triển khai Chỉ thị này trong thực tiễn, đòi hỏi cần nghiên cứu để quan tâm quy hoạch kiến trúc về nhà ở,cũng như các công trình khác theo hướng hiện đại, giữ gìn bản sắc dân tộc, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Để có sự hài hòa của kiến trúc nông thôn trong sự giao thoa của đô thị hóa cần giải quyết được ba yếu tố: Nét truyền thống, sự đan xen, đổi mới trong bảo tồn.

Bảo tồn kiến trúc, cảnh quan nông thôn là việc làm mang tính chiến lược dài lâu. Việc xây dựng kiến trúc, cảnh quan nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa kế thừa các giá trị truyền thống là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban, ngành, đặc biệt là sự đồng thuận chủ thể chính từ người dân.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.