Theo phản ánh của một số hộ dân tại thôn 5 (xã An Vinh), hiện tượng đỉnh núi Goi Ra Hách xuất hiện nhiều vết nứt, xảy ra cách đây hơn 10 năm. Mỗi năm, xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới; vết cũ kéo dài, miệng hở càng rộng hơn. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, tình trạng diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Ông Đinh Văn Cung, Chủ tịch UBND xã An Vinh, cho biết: Những năm trở lại đây, mùa mưa tiếp diễn, kéo dài từ cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau mới ngớt. Lượng mưa kéo dài khiến cho núi Goi Ra Hách càng tăng cấp độ sạt, nứt. Theo đo đạc, khảo sát mới đây của đơn vị chức năng, có hàng chục vết nứt trên đỉnh núi này; nhiều vết nứt có độ dài vài chục mét; miệng hở ra rộng khoảng 0,5m; có nơi nhiều người chui vào sâu được…
Theo ông Cung, núi Goi Ra Hách rộng 5ha, nằm ở thượng nguồn khu dân cư thôn 5 (với 65 hộ dân/275 nhân khẩu). Hiện, núi Goi Ra Hách là nơi người dân thường xuyên đi lại, chăn thả gia súc; có ruộng tập trung, rừng trồng cây công nghiệp của người dân và lâm trường…
Vừa rồi, nhận thấy mức độ khá nghiêm trọng, lãnh đạo huyện An Lão đã cùng đoàn công tác trực tiếp thị sát, kiểm tra tại đỉnh núi Goi Ra Hách. Hiện vẫn chưa có kết luận, đánh giá về hiện trạng. “Nếu mưa dài ngày, sạt lở mức độ lớn thì nguy cơ hàng chục hộ dân sống bên cạnh sẽ gặp nguy hiểm là điều khó tránh khỏi”, ông Cung cho hay.
Trước mắt, UBND xã An Vinh kiến nghị, cần giữ lại rừng keo tràm, không cho khai thác thêm. Cần giữ lại nguyên trạng thảm cây, thực vật để hạn chế núi sạt, lở đất. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng hàng trăm người dân, các đơn vị chức năng huyện An Lão cần sớm có đánh giá chính xác mức độ và hiện tượng nứt, vỡ tại núi Goi Ra Hách; sớm có phương án ứng phó hoặc di dời dân trong những tình huống khẩn cấp.
THIÊN ĐỨC