Có mặt tại xã Lũng Cao, huyện Bá Thước trong những ngày Tết Nguyên đán đã cận kề, chúng tôi thực sự chạnh lòng khi chứng kiến nhiều hộ gia đình mất nhà cửa do đợt lũ từ tháng 10 vẫn phải sống vật vờ ở các điểm công cộng.
Tại sân Nhà văn hóa xã Lũng Cao có 2 gia đình, với hàng chục nhân khẩu phải dựng lều, lán ở tạm bợ. Cách đó không xa, tại khu đất đang xây dựng UBND xã cũng có 4 hộ dựng tạm nhà ở. Tất cả các gia đình đều chịu cảnh thiếu điện, nước.
Ông Hà Văn Sinh, dân tộc Thái (ngụ tại thôn Nủa, xã Lũng Cao) cho biết, từ khi nhà bị lũ cuốn trôi, cả gia đình phải ở nhờ nhà văn hóa thôn, thiếu thốn đủ thứ lại khó khăn trong sinh hoạt, không yên tâm để sản xuất. Phần lớn các hộ gia đình sống tạm ở đây đều có chung một lo lắng là không biết đến bao giời mới có đất dựng nhà.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, cụ Ngân Thị Lá (80 tuổi, ngụ tại thôn Trình, xã Lũng Cao) đang ở cùng 5 người con và cháu tại lán dựng tạm ở sân Nhà văn hóa xã Lũng Cao cho biết, trận mưa lũ đã làm đổ sập, hư hỏng toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình.
Chúng tôi thuộc diện khó khăn nên không có điều kiện làm lại nhà. Hơn nữa vị trí đất ở cũ do có độ dốc cao, dễ xảy ra sạt lở nên chính quyền thông báo không ở được nữa phải di chuyển sang nơi khác.
Trong đợt mưa lũ kéo dài này, huyện Bá Thước có 221 ngôi nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó có 58 hộ dân nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn nên không có nơi ở. Sau lũ, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, không để người dân không có nơi ở, nhưng đã 3 tháng trôi qua, các ngành được giao trách nhiệm lo cho người dân vẫn đang loay hoay vì chưa tìm được đất dựng nhà.
Ông Hà Văn Tuất, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, cho biết: Riêng xã Lũng Cao có 10 gia đình nhà bị cuốn trôi, sập hoàn toàn. Hiện có 2 gia đình do anh em họ hàng cho đất và đang tiến hành dựng nhà. Còn 8 gia đình khác hoàn cảnh rất khó khăn, vẫn chưa có đất dựng nhà, phải dựng lán ở nhờ nhà văn hóa thôn…
Cùng tình trạng trên, ở huyện Cẩm Thủy do xảy ra sự cố sạt lở tại đồi Mùn, thôn Thành Long 1, xã Cẩm Thành, cạnh tuyến đường Cẩm Thành đi xã Cẩm Liên sang huyện Bá Thước khiến cho hàng chục hộ dân đang sinh sống dưới chân đồi Mùn, thôn Thành Long 1 (xã Cẩm Thành) phải sơ tán khẩn cấp, và 5 hộ còn lại ở vị trí liền kề phải thường xuyên theo dõi diễn biến và sẵn sàng sơ tán khi có lệnh.
Hiện 10 hộ dân phải sơ tán này vẫn chưa có đất làm nhà và Tết năm nay họ phải đón Tết ở nhà người thân.
Theo ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tình trạng người dân gặp khó khăn về đất để dựng nhà do ảnh hưởng mưa lũ, ngày 30/10/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan bố trí tái định cư cho các hộ dân phải di dời. Hiện, Sở NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương để bố trí đất cho dân.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, được biết, ngày 19/12/2017, Sở NN-PTNT Thanh Hóa mới có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở để cấp cho dân. Còn hiện Sở này vẫn đang làm thủ tục tìm đất. Với thực tế này, không biết đến bao giờ người dân bị ảnh hưởng lũ mới có đất dựng nhà để sớm ổn định cuộc sống.
QUỲNH TRÂM