Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hậu Giang lần III năm 2019 đã đánh giá kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần II giai đoạn 2014-2019. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc từ nay đến năm 2024.
Báo cáo do ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Dân tộc, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hậu Giang lần thứ III năm 2019 trình bày tại Đại hội nêu rõ, tỉnh Hậu Giang là một tỉnh nông nghiệp có 201.846 hộ, với 776.547 người, trong đó đồng bào DTTS là 8.578 hộ với 33.915 người, đông nhất là dân tộc Khmer với 26.000 người.
Từ sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hậu Giang lần thứ II năm 2014 đến nay, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, qua đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 31,38%, đến cuối năm 2018 giảm còn 18, 83%; bình quân hàng năm giảm 4,18%... ”.
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe đại diện các đơn vị, tổ chức, cá nhân là người DTTS tiêu biểu chia sẻ những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc; xóa đói giảm nghèo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS; cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân.
Thứ trưởng Lê Sơn Hải nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung nguồn lực nhằm thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền; giảm dần, tiến tới không còn địa bàn và đối tượng đặc biệt khó khăn. Gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và nguồn lực xã hội khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là đường giao thông liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Đại hội cũng đã thông qua Quyết tâm thư với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong giai đoạn tới. Đại hội đã chọn cử 5 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.
Tại Đại hội, có 28 đại biểu được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” và 5 tập thể, 19 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 3 tập thể và 20 cá nhân nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2014 – 2019.