Được bà con trong thôn Thành Công giới thiệu, đến nhà nghệ nhân Phùng Thế Vị người am hiểu tường tận về làn điệu hát giao duyên của dân tộc Dao, ông Vị cho biết, trước kia, do quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, trai gái chưa kết hôn không được tự do tìm hiểu nhau như bây giờ, nên hát giao duyên là cách duy nhất để các đôi trai gái tìm hiểu nhau.
Thông qua câu hát, chàng trai và cô gái tìm hiểu thông tin về xuất thân, sở thích hay quan niệm sống của nhau, cũng có khi là để trêu đùa nhau. Phần lời trong những bài hát giao duyên của người Dao là những bài ca dao, chủ yếu được làm theo kiểu thơ thất ngôn, thỉnh thoảng có xen câu tứ ngôn, ngũ ngôn. Lời ca trong những bài hát thường mang ý nghĩa sâu xa, tế nhị, thể hiện sự trong sáng, lương thiện của những chàng trai, cô gái dân tộc Dao.
Ví dụ, chàng trai hỏi cô gái: “Mặt trời đã chiếu ngang sườn núi/ Em ngồi ở đó, em đợi ai/ Anh đến rủ em cùng lên núi/ Hái cây thuốc về cứu muôn dân”. Cô gái trả lời: “Em ngồi em đợi anh lên núi/Hái lá thuốc về để cứu người/ Xóm làng mạnh khỏe vui cày cấy/ Dựng xây làng bản mãi yên vui”.
Ông Phùng Thế Vị cho biết, tiếng Dao rất khó hát và khó hiểu. Nhiều người biết hát nhưng chưa chắc đã biết hết được cái hay của hát giao duyên. Hát giao duyên được chia làm 2 loại, loại thứ nhất chỉ được hát trong các dịp lễ, Tết, đã được ấn định lời, người hát phải giữ nguyên bản lời của bài hát. Loại thứ hai, người hát có thể biến tấu lời của bài hát tùy thuộc vào bối cảnh.
Đối với các bài hát phục vụ cho các dịp lễ, Tết của người Dao, người hát phải tuân thủ quy tắc hát rất chặt chẽ, thường hát đi rồi hát lại, rồi ngắt nhịp... khiến người hát dễ nhầm lẫn.
Theo lời giới thiệu của ông Vị, bà Phùng Thị Kiều, vợ của ông cũng là một trong số ít người dân tộc Dao còn biết hát giao duyên trong làng.
Bà Kiều kể lại: “Lúc nhỏ, tôi thường được bố cõng trên lưng và hát ru bằng lời hát giao duyên. Giai điệu bài hát ngấm dần vào tiềm thức, đến khi lớn lên, bố lại dạy cho cách hát, cách luyến láy nhịp điệu”.
Năm 2017, bà Kiều là thành viên của đoàn hát giao duyên thôn Thành Công đi dự Ngày hội dân tộc Dao toàn quốc tại Tuyên Quang và trình diễn nhiều tiết mục hay, giành được giải Nhì. Đó là vinh dự không chỉ của riêng bà mà còn là niềm tự hào của tất cả những người dân tộc Dao ở thôn Thành Công.
Tuy nhiên, đến nay, số người biết hát giao duyên ở thôn Thành Công chỉ còn 7 người, trong đó, có 2 cụ sức khỏe đã yếu. Bà Kiều đã dạy cho con gái và con dâu của mình cách hát giao duyên. Đó là 2 người trẻ tuổi duy nhất của bản người Dao yêu thích điệu hát truyền thống này.
Vợ chồng ông Phùng Thế Vị luôn tâm nguyện rằng, giữ gìn bản sắc dân tộc chính là giữ gìn những giá trị sống còn của mỗi dân tộc.
Và cho dù thế nào thì bản sắc ấy vẫn phải được bảo tồn và tôn vinh. Bởi thế, những nghệ nhân cao tuổi như ông luôn chú trọng đến việc truyền dạy những lễ nghi, những giá trị truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Hiện giờ, ông Vị còn lưu giữ 1 cuốn sách cổ chép lại lời những bài hát giao duyên dùng trong các dịp lễ, Tết của người Dao bằng chữ nho. Ông coi đây như một “báu vật” của bản làng và ông phải có trách nhiệm gìn giữ nó.
HỒNG MINH