Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hát bội làm mới để thu hút khán giả

PV - 18:50, 08/04/2022

Từ lâu, hát bội đã trở thành nghi thức quan trọng trong lễ kỳ yên, cúng đình của người dân Nam Bộ. Nhưng ở hoạt động văn hóa công cộng, với việc các suất diễn ngày càng ít thì cơ hội để hát bội đến với công chúng cũng ngày càng co hẹp. Chính vì vậy, vừa qua Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình Sắc - Ấn Ngọc Nam phương với mong muốn thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ cũng như du khách trong và ngoài nước.

 “Sắc - Ấn Ngọc Nam phương” đã mang đến cho người xem cảm nhận hoàn toàn mới về nghệ thuật hát Bội
“Sắc - Ấn Ngọc Nam phương” đã mang đến cho người xem cảm nhận hoàn toàn mới về nghệ thuật hát Bội

Sắc - Ấn Ngọc Nam phương là dự án được Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo, nhằm đổi mới tổ chức hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh, hướng đến việc tổ chức biểu diễn định kỳ - vừa phục vụ người dân vừa xây dựng trở thành sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Để tăng tính hấp dẫn, mới lạ, chương trình được dàn dựng gồm 2 phần: Phần 1 giới thiệu nghệ thuật vẽ mặt của hát bội và trình diễn nhạc cụ dân tộc; phần 2 biểu diễn chương trình Sắc - Ấn Ngọc Nam phương. Đặc biệt, để tôn vinh nét đẹp tinh túy và hành trình lịch sử lâu đời của hát bội, vở diễn đã kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như múa, âm nhạc, xiếc, mỹ thuật… nhằm tăng thêm sức hấp dẫn, mới lạ, gần gũi với cuộc sống hôm nay.

Chương trình dài khoảng 60 phút, được dàn dựng công phu với sự tham gia của gần 60 nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công, có thể kể đến Đạo diễn - biên đạo múa Tấn Lộc; NSƯT Xuân Quan, NSƯT Hữu Danh (cố vấn nghệ thuật hát Bội); NSƯT Hoàng Vinh (cố vấn nghệ thuật xiếc); TS Mai Mỹ Duyên (cố vấn nội dung); nhiều nghệ sĩ hát bội tên tuổi như NSƯT Linh Hiền, NSƯT Thanh Trang, NSƯT Linh Phước, Đông Hồ, Thanh Bình, Minh Khương, Bảo Châu… cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh, các diễn viên đoàn múa đương đại Arabesque và diễn viên xiếc…

Sắc - Ấn Ngọc Nam phương khắc họa những đặc trưng, bản sắc văn hóa của vùng đất phương Nam và tinh hoa của nghệ thuật hát Bội đặt trong bối cảnh xã hội Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh hơn 320 năm hình thành và phát triển. Chương trình đặc sắc chính nhờ sự hòa quyện TP. Hồ Chí Minh giữa âm nhạc với hình thức dàn dựng. Người xem được dẫn dắt từ câu chuyện quá khứ cho đến hiện tại và tương lai qua những bối cảnh chân thật. Không chỉ là thưởng thức nghệ thuật mà họ còn được tìm hiểu lịch sử ra đời và phát triển của nghệ thuật hát bội qua từng thời kỳ, kể cả giai đoạn hát bội dần bị phai mờ. Buồn là thế, nhưng phải có sự tái hiện ấy thì khán giả nói chung và người trẻ nói riêng mới nhận ra rằng, chính thế hệ của mình phải góp sức gìn giữ, trân quý di sản mà ông cha đã dày công kiến tạo. Còn đối với du khách nước ngoài, vở diễn một lần nữa khẳng định hát bội là một bộ môn nghệ thuật truyền thống của người Việt Nam, chứ không phải là sự lai tạp từ một nền văn hóa nào khác.

Theo ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh: “Hát bội là một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc mang tính đặc thù lịch sử của TP. Hồ Chí Minh từ giai đoạn Nam tiến đến thời kỳ hoàng kim và sự trở lại trong xã hội đương đại. Lần này, chúng tôi sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc dân tộc, múa dân gian, xiếc, mỹ thuật sân khấu… để phụ trợ cho nghệ thuật trung tâm là hát bội, điều đó giúp khán giả trẻ dễ dàng tiếp cận hơn”. Trên thực tế, nhắc đến hát bội nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một bộ môn khá khô khan và ít hấp dẫn, tuy nhiên, với sự kết hợp của nhiều bộ môn nghệ thuật, Sắc - Ấn Ngọc Nam phương đã mang đến cho người xem một cảm nhận hoàn toàn mới. Màu sắc thu hút, âm thanh vang dội, múa và xiếc đan xen… tất cả đã “tô điểm” cho hát bội thêm phần sinh động, đặc sắc.

Bạn Huyền Diệu (Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình xem hát bội, được tận mắt thấy các cô chú nghệ sĩ hóa trang, sau đó được mọi người giải thích về ý nghĩa của từng nét vẽ, từng điệu bộ biểu diễn nên mình cảm thấy rất thú vị. Chắc chắn mình sẽ giới thiệu bạn bè đến xem và ủng hộ chương trình này ở những suất diễn tiếp theo”. Là một người yêu nghệ thuật truyền thống, chính vì thế khi biết có suất diễn đầu tiên của Sắc - Ấn Ngọc Nam phương, anh Hà Duy (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) đã nhanh chóng đến Nhà hát TP để thưởng thức. Anh cho biết: “Việc kết hợp giữa hát bội với các loại hình hiện đại như thế này thật sự rất hợp với nhãn quan của người trẻ hiện nay. Tuy nhiên, tôi cũng mong đây sẽ là sự hòa nhập để cùng nhau phát triển, để hát bội giữ được bản sắc và không bị mai một”.

Chương trình kết thúc, những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt từ phía khán giả cùng giới chuyên môn đã chứng minh cho sức hút của Sắc - Ấn Ngọc Nam phương. Qua đó, mở ra một hành trình mới cho bộ môn nghệ thuật hát Bội, tuy lắm chông chênh nhưng vẫn đầy hy vọng. Bởi lẽ, những suất diễn hát bội sẽ không đơn thuần là phục vụ các lễ hội, phục vụ khán giả lớn tuổi nữa mà sẽ rộng hơn là tiếp cận thế hệ trẻ, tiếp cận những du khách nước ngoài, mang theo cơ hội giới thiệu rộng rãi bộ môn này ra thế giới. 

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.