Đây là lễ hội thường niên nhằm tưởng nhớ Thiên Y Thánh mẫu Ana, người được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung Bộ; cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên.
Trong ngày khai mạc Lễ hội, hàng nghìn người hành hương của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai... đã vào ngôi tháp chính tại Khu di tích Tháp Bà để dâng lễ vật cúng Thiên Y Thánh Mẫu Ana.
Lễ hội diễn ra đến hết ngày 23/4 với nhiều nghi thức như: lễ thay y và nghi thức tắm tượng, lễ cầu siêu, lễ tế cổ truyền, lễ dâng hương tạ Mẫu, lễ cầu "Quốc thái, dân an", lễ tế truyền thống Đình – Lăng Cù Lao, lễ hoàn kinh, lễ cúng tạ… Bên cạnh các nghi thức tín ngưỡng, tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như, diễn tuồng, múa Chăm, biểu diễn dệt vải, làm gốm truyền thống… nhằm tôn vinh những giá trị trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm cũng như đồng bào các dân tộc vùng Nam Trung Bộ.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar và dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tỉnh Khánh Hoà sẽ chức nhiều sự kiện, hoạt động với chủ đề "Hành trình huyền thoại Mẹ xứ sở Thiên Y Ana". Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay số lượng tín đồ, du khách hành hương và người dân về tham dự lễ hội giảm đáng kể so với những năm trước. Các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị tốt các điều kiện để đảm bảo về y tế, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội…
Theo ước tính của ban tổ chức, lễ hội năm nay có gần 100 đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở trong, ngoài tỉnh với khoảng 2.500 người đăng ký tham gia. Ngoài ra, mỗi ngày, khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang cũng đón khoảng 1.500 khách du lịch, 20.000 lượt người dân địa phương đến tham quan, lễ bái. Sau 2 năm phải dừng tổ chức vì Covid-19, lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay, đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Công tác tổ chức cũng được tính toán, thực hiện hợp lý theo hướng tinh giản, nhưng vẫn trang nghiêm.