Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hải Phòng phải trở thành một cực tăng trưởng của cả nước

PV - 22:08, 02/03/2018

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Hải Phòng đã “cất cánh” với mức tăng trưởng cao, gấp hơn 2 lần bình quân chung của cả nước. Hải Phòng phải trở thành một trung tâm kinh tế lớn, thành phố đổi mới sáng tạo, là một cực tăng trưởng của cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc làm việc Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc làm việc

 

Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương sáng 2/3. Cuộc làm việc diễn ra sau khi Phó Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ đi kiểm tra, khảo sát tiến độ Cảng Lạch Huyện, Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ. Về phía Hải phòng có lãnh đạo Thành ủy, UBND và một số sở, ngành.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, năm 2017, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 14,01%, đạt mức cao nhất từ năm 1994, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 22,2%, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 92 triệu tấn, tăng 15%. Thu ngân sách đạt trên 71.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng 26,5%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV giao trước 3 năm.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thành phố đã khánh thành Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao của Tập đoàn LGD, trị giá gần 2 tỷ USD, thu hút thêm gần 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số nguồn lực lớn của các doanh nghiệp đã đầu tư vào thành phố, trong đó có các dự án có ý nghĩa chiến lược đối với tương lai phát triển của thành phố như: Nhà máy sản xuất, chế tạo ô tô Vinfast có tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ USD, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí đảo Cát Bà có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ USD, Trung tâm thương mại Aeon Mall - Nhật Bản có tổng mức đầu tư 200 triệu USD… Hải Phòng cũng được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất.
Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị được tăng cường đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2017, Hải Phòng đã khánh thành cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, một số cầu vượt, các tuyến đường thiết yếu trong nội đô, đồng thời đã khởi công xây dựng một số công trình phúc lợi công cộng, triển khai xây dựng lại các chung cư đã xuống cấp, xây dựng một số khu đô thị hiện đại, đồng thời mở rộng không gian đô thị ra 3 hướng đột phá.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang làm thay đổi diện mạo, hạ tầng nông thôn. Toàn thành phố đã có 74 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; kế hoạch đến năm 2020 đạt 139/139 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,61%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,14 tỷ USD, tăng 24,14%; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 16 triệu tấn, tăng 18,34%; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 9.113,6 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước thực hiện 3.303,3 tỷ đồng, tăng 3,29%.

baodantoc_ptt_2
Hải Phòng đã “cất cánh”, cần “bứt phá đi trước”

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả rất ấn tượng trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng trong năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018.

“Hải Phòng đã “cất cánh” với mức tăng trưởng cao, gấp hơn 2 lần bình quân chung của cả nước. Hải Phòng cũng là một trong những địa phương quyết liệt nhất trong cải thiện môi trường đầu tư. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân thành phố Hải phòng”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, với những việc đã làm được trong thời gian qua, Hải Phòng còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Thành phố đang có rất nhiều dự án công nghiệp, dịch vụ lớn, bền vững, hứa hẹn mang lại tăng trưởng cao trong thời gian tới.

“Hải Phòng đã xây dựng được nền tảng vững chắc để phát triển trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất khu vực phía bắc. Doanh nghiệp có thành công không ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, thì môi trường đầu tư- trong đó có vai trò rất lớn của các địa phương- là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị thành phố phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, “bứt phá đi trước” trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho vùng kinh tế phía bắc.

“Hải Phòng với lợi thế đặc biệt lớn là cảng biển, cửa mở ra thế giới trong xu thế kinh tế biển toàn cầu, hứa hẹn tiềm năng phát triển rất lớn. Nếu kết nối hạ tầng tốt, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm hàng hóa lớn của khu vực. Hải Phòng phải trở thành một trung tâm kinh tế lớn, thành phố đổi mới sáng tạo, là một cực tăng trưởng của cả nước”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Hải Phòng có các giải pháp quyết liệt để triển khai hiệu quả các chiến lược, kế hoạch phát triển đã đề ra. Trong đó, rà soát các chỉ tiêu cụ thể của từng sản phẩm, từ đó kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, chú trọng thị trường nội địa, lấy thị trường thế giới làm mục tiêu. Đồng thời, phải lấy công nghiệp làm nền tảng, ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ, chú trọng nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
Thành phố cũng cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các ngành, sản phẩm, quy hoạch phát triển hạ tầng, xây dựng, đô thị… để phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả cao nhất. Từ đó, lập kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó xác định rõ nguồn lực, thứ tự triển khai. Trên cơ sở quy hoạch-kế hoạch, Thành phố cần có các giải pháp phù hợp để thu hút hiệu quả vốn đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển.
“Hải Phòng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dự án đầu tư của doanh nghiệp được triển khai hiệu quả, sớm hoạt động hiệu quả”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Thành phố cũng cần kiểm soát thật chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, xây dựng Hải Phòng thành một đô thị hiện đại, hấp dẫn với những nét riêng có. Bên cạnh phát triển nhà ở thương mại, phải chú trọng phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân có chỗ ở bền vững.
“Quy hoạch công nghiệp, khu công nghiệp phải gắn với nhà ở xã hội cho người lao động, người dân trong khu vực dự án. Đây là trách nhiệm của nhà quản lý và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thành phố kiểm soát chặt chẽ môi trường; quan tâm phát triển văn hóa-xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định xã hội.
Về những kiến nghị của Thành phố và các doanh nghiệp đang đầu tư tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cho ý kiến bước đầu, đồng thời giao các bộ, ngành tiếp tục giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho Hải Phòng phát triển.
THEO CHÍNH PHỦ
Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.