Hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Quân và ông Nguyễn Duy Hợp đều dành thời gian đi thu gom rác, vỏ chai nhựa, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các cánh đồng ruộng rồi đốt để làm sạch môi trường.
Ông Quân có 5 sào ruộng trên khu vực Đồng Sạ, thôn 3. Khi thực hiện dồn điền đổi thửa làm cánh đồng mẫu lớn, ông Quân thấy ruộng lúa đã rộng, đẹp, lại có đường bê tông khang trang nhưng hai bên đường và trong kênh thủy lợi vẫn ngập rác thải nông nghiệp. “Nhiều người sau khi phun thuốc đã để lại bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay dưới đường đi, lâu ngày nhiễm vào trong đất sẽ ảnh hưởng nguồn nước ngầm. Ban đầu, tôi chỉ quen tay nhặt bao bì mang đi đốt, lâu rồi tôi có ý định phải làm điểm thu gom rác thải để bà con bỏ vào”, ông Quân nói.
Hơn 60 chiếc giỏ nhựa được ông Quân tự mua tại các vựa phế liệu rồi mang về đặt ở nhiều vị trí trên cánh đồng rộng hơn 35ha. Mỗi chiếc giỏ, ông Quân cài vào tờ giấy ghi “Hãy chung tay cùng tôi bảo vệ môi trường”. Ông cho biết, ban đầu, nhiều người phun thuốc trừ sâu thuê không chịu bỏ vỏ bao bì vào giỏ nhựa. Sau này, ông nói chuyện với các chủ ruộng và đề nghị hãy vì môi trường sạch đẹp mà yêu cầu người làm thuê bỏ bao bì vào giỏ rác. Dần dần, nhiều người đã hình thành thói quen bỏ rác vào giỏ nhựa. Cứ 2 tuần, ông Quân lại chạy chiếc xe máy cũ, mang theo bao đựng rác để gom lại một điểm và đốt.
Ông Quân không đơn độc, 2 năm sau đó, người bạn già Nguyễn Duy Hợp cùng làm với ông. Ông Hợp nói: “Ngoài cánh đồng mẫu lớn còn có các cánh đồng nhỏ, chúng tôi phân chia nhau, ông Quân ở xứ Đồng Sạ, tôi ở xứ Đồng Quang, thu gom rồi đốt”.
Ông Hợp còn tranh thủ thời gian nhàn rỗi đi nhặt rác ở thôn xóm và làm sạch đường vào nghĩa trang. Ông Hợp nói: “Thùng rác của mỗi gia đình có bên đội môi trường làm, còn rác trên đường vào ngõ xóm thì không có ai nhặt. Mỗi buổi chiều, tôi thường cầm theo bao lớn đi qua khắp các lối để nhặt chai nhựa, giấy,…vứt trên đường”.
Việc làm của hai ông đã lan tỏa, nâng cao ý thức người dân địa phương. Ông Võ Thái, người dân tại thôn 3, xã Nghĩa Lâm cho biết: “Lúc trước không có người thu gom, nên nông dân đã xả rác ra đường và kênh mương, nay có hai ông làm việc tốt khiến cánh đồng thêm sạch đẹp”.
Bà Phan Thị Ngai, vợ ông Quân, chia sẻ: “Tôi chỉ lo ông nhà vất vả, vừa làm ruộng, lại làm vườn cau,… nhiều việc mà ông vẫn tự nguyện thu gom rác ở trên đồng ruộng. Tôi chỉ mong người dân tiếp tục ủng hộ công việc thu gom rác và cùng chung tay bảo vệ môi trường”.
Nói về việc làm của hai ông Nguyễn Quân và Nguyễn Duy Hợp, ông Nguyễn Duy Nhịp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lâm nhận xét: “Việc làm của ông Quân và ông Hợp đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đồng ruộng cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ nguồn nước ngầm không ô nhiễm. Hội Nông dân sẽ đề nghị địa phương hỗ trợ mua thêm giỏ nhựa để đặt tại nhiều cánh đồng trên toàn xã và kêu gọi hội, đoàn thể khác cùng tham gia”.