Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Thị Ven-Nghệ nhân của những làn điệu sli

PV - 10:01, 01/07/2019

Say mê với những câu hát sli của dân tộc Nùng từ lúc còn nhỏ, nghệ nhân Hà Thị Ven, (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) dần trở thành người hát sli hay nhất trong vùng. Mối nhân duyên ấy theo bà đến tận ngày hôm nay để bà tiếp tục sưu tầm và truyền dạy làn điệu sli của đồng bào Nùng cho mọi người.

Nghệ nhân Hà Thị Ven (Thứ 3, từ trái sang) cùng các thành viên trong CLB Điếp Sli Then. Nghệ nhân Hà Thị Ven (Thứ 3, từ trái sang) cùng các thành viên trong CLB Điếp Sli Then.

Người Nùng ở xứ Lạng gọi loại hình dân ca trữ tình của họ là sli, một điệu hát tương tự như hát ví của người Kinh. Người Nùng rất mê hát sli. Trong tiếng Nùng thì sli có nghĩa là thơ. Tục ngữ Nùng có câu: “Đêm ốm dài, đêm sli ngắn”. Có lẽ bởi thế mà từ bao đời nay, trong dòng chảy lặng lẽ của thời gian, hát sli vẫn được lưu truyền trong đời sống tinh thần của người Nùng.

Nghệ nhân Hà Thị Ven cho biết, từ lúc còn nhỏ, bà đã được nghe các anh chị, các cô, các bác trong làng hát sli Sình Làng. Đặc biệt là những ngày đầu Xuân năm mới, hoặc những đêm trăng sáng, nhiều đôi nam thanh nữ tú thường chia làm 2 nhóm (1 nhóm nam, 1 nhóm nữ) ngồi hát đối đáp với nhau. Ban đầu, bà tò mò nghe, rồi học lỏm hát theo. Dần dần, bà thuộc nhiều bài sli và đam mê lúc nào không hay, rồi mỗi khi trong làng, trong xã tổ chức hát, bà thường đến xem và tranh thủ học lỏm.

Chỗ nào không hiểu, không nhớ là bà hỏi các cụ đi trước, các anh, chị trong làng. Người biết ít thì dạy cho một vài câu, người biết nhiều thì dạy vài bài. Mặc dù thời điểm đó, bạn bè cùng trang lứa với bà đua nhau đi học hát tiếng Kinh, nhưng bà vẫn kiên trì học hát sli của dân tộc mình. “Có người còn chế diễu tôi học điệu hát mà chẳng còn ai nghe nữa. Nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai những lời giễu cợt ấy, vẫn mê mải học những làn điệu sli của dân tộc mình”, nghệ nhân Hà Thị Ven cho biết.

Nghệ nhân Hà Thị Ven đang truyền dạy cho các thành viên nhỏ tuổi trong CLB Điếp Sli Then. Nghệ nhân Hà Thị Ven đang truyền dạy cho các thành viên nhỏ tuổi trong CLB Điếp Sli Then.

Với vốn sli học được, bà Ven tích cực tham gia phong trào văn nghệ của làng, xã, nơi bà sinh sống. Dần dần, làng trên, xóm dưới đều biết tiếng Hà Thị Ven nhiệt tình, hát hay. Đặc biệt, trong “Hội thi Liên hoan dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn” tổ chức năm 1999, với chất giọng trong trẻo, mượt mà khi thể hiện làn điệu sli, bà đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Nghệ nhân Hà Thị Ven, tên tuổi bà được nhiều người yêu dân ca xứ Lạng biết đến. Người ta gọi bà là “Nghệ nhân sli xứ Lạng”.

Không chỉ sưu tầm những làn điệu sli “vốn cổ” để giữ hồn cho dân tộc Nùng, nghệ nhân Hà Thị Ven còn sáng tác, đặt lời mới cho nhiều bài sli để phù hợp với xu hướng ngày nay. Chẳng hạn như các chủ đề: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, về quê hương, về sự nghiệp đổi mới của đất nước và các đề tài về phòng chống các tệ nạn xã hội, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS…

Không những thế, vì lời bài hát sli thường bằng tiếng địa phương nên khi tham gia biểu diễn văn nghệ cho nhiều dân tộc khác nhau cùng nghe, bà đã có sáng kiến giới thiệu nội dung bài hát bằng tiếng phổ thông trước, sau đó mới biểu diễn bằng tiến dân tộc.

Sau nhiều năm gắn bó với sli nói riêng và các làn điệu dân ca nói chung, tháng 8/2017, bà Hà Thị Ven đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Điếp Sli Then. Các thành viên trong CLB có tuổi đời từ 8 đến 50 tuổi, tất cả đều là những người có chung niềm đam mê hát dân ca. Bên cạnh đó, thành viên của CLB cũng rất tích cực sinh hoạt, sưu tầm, trao đổi kinh nghiệm về những làn điệu dân ca cổ, đồng thời là những hạt nhân biểu diễn văn nghệ tại những chương trình của huyện, tỉnh.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.