Theo đó, đối tượng hỗ trợ là người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ trường hợp đóng theo phương thức quy định tại Khoản 2 Điều 8 Chương III Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH), đăng ký thường trú tại Thành phố Hà Nội, là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi;
Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; Người lao động giúp việc gia đình; Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH (trừ trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm); Người tham gia khác.
Về mức hỗ trợ, theo UBND Thành phố Hà Nội, người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định, cụ thể: Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo. Hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo.
Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác. (Mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ).
Thời gian thực hiện từ 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, cụ thể: Người tham gia BHXH tự nguyện đăng ký tham gia BHXH tự nguyện kể từ ngày 1/8/2022 đến ngày người tham gia kết thúc việc tham gia BHXH tự nguyện nhưng không quá ngày 31/12/2025.
Về trình tự thực hiện chính sách hỗ trợ, tổ chức dịch vụ thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) lập danh sách người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí tham gia BHXH tự nguyện theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND gửi Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã để tổng hợp và ghi nhận quá trình tham gia BHXH cho người tham gia theo đúng các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Hằng quý, Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã phối hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch cùng cấp,... rà soát, thực hiện thanh quyết toán theo quy định.
Kinh phí thực hiện từ ngân sách cấp quận, huyện, thị xã. Riêng năm 2022, đối với các huyện, thị xã khó khăn chưa tự cân đối ngân sách, UBND các huyện, thị xã tổng hợp kinh phí hỗ trợ gửi Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội tổng hợp, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã triển khai thực hiện chính sách.
UBND Thành phố đề nghị Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hướng dẫn và giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND và Kế hoạch này.
Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT, các mô hình tổ chức thu BHXH, BHYT hoạt động linh hoạt, hiệu quả; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng Tổ chức dịch vụ thu BHXH; định kỳ 6 tháng, hằng năm sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT.
Chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã hướng dẫn đầy đủ, kịp thời về quy trình, thủ tục hồ sơ và chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện và các Tổ chức dịch vụ; chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ và phê duyệt danh sách người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND. Phối hợp Phòng Tài chính và các đơn vị có liên quan trong việc thanh quyết toán tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng theo quy định.
Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30/11 hằng năm; định kỳ hàng năm đề xuất UBND Thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với BHXH Thành phố tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội hướng dẫn, giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND. Chỉ dạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tuyên tuyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đối với các trường hợp người lao động nghỉ việc đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Đôn đốc, hướng dẫn phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện trong việc xác định, đối chiếu, rà soát đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên cơ sở danh sách đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang quản lý. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội trong việc tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện trên địa bàn Thành phố.