Ấm lòng những suất cơm miễn phí
Cùng với 13 thợ xây thuê trọ tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, từ 25/8 đến nay, cứ vào buổi trưa, ông Nguyễn Xuân Trường (quê Ninh Bình) lại thay mặt anh em ra điểm phát cơm miễn phí trên địa bàn.
“Hơn 1 tháng giãn cách, chúng tôi có nhận được hỗ trợ 17kg gạo, rau, lạc, nhưng đội thợ quá đông, không đủ ăn và cũng không thể nấu ăn vì thiếu nhiều thứ. Được hỗ trợ cơm thế này anh em chúng tôi ấm lòng lắm. Mong sao dịch bệnh sớm qua đi, để chúng tôi trở lại cuộc sống bình thường”, ông Trường chia sẻ.
Tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, cùng với 2 người khác, anh Lương Văn Hoàn, ngụ tỉnh Yên Bái, là thợ xây đã “mắc kẹt” tại Hà Nội suốt từ cuối tháng 7 đến nay. Nghỉ làm, không có tiền ăn. Biết được thông tin về điểm cấp phát cơm miễn phí tại Trường Tiểu học Tứ Liên, từ ngày 25/8 đến nay, ngày 2 lần, anh ra nhận cơm miễn phí.
“Nghỉ làm hơn 1 tháng nay, tiền ăn đã hết, ngoài 5kg được UBND phường cấp, chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Được nhận cơm miễn phí thế này, tôi vô cùng xúc động”, anh Hoàn chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ phường Tứ Liên cho biết: Với sự hỗ trợ của UBND quận, Ban Dân vận Quận ủy và Thành đoàn Hà Nội, mỗi ngày, phường Tứ Liên được hỗ trợ 256 suất cơm để hỗ trợ miễn phí cho những người lao động nghèo, sinh viên, người khó khăn trên địa bàn. Cùng với phát cơm miễn phí, Hội Chữ Thập đỏ phường còn vận động từ các nguồn được hơn 100 hộp muối vừng, 115 suất ăn gồm dầu ăn, lạc, trứng, nước mắm để hỗ trợ thêm cho các gia đình có con nhỏ chuẩn bị cho năm học mới.
“Chúng tôi mong muốn góp một phần công sức, chung tay cùng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đồng lòng chống dịch Covid-19”, bà Phương chia sẻ.
Điểm phát cơm miễn phí trên địa bàn phường Nhật Tân, phường Tứ Liên nằm trong Mô hình “Bếp ăn 0 đồng” hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động đang “mắc kẹt” tại Thủ đô, do UBND quận Tây Hồ triển khai. Từ ngày 25/8 đến nay, mỗi ngày, mô hình “Bếp ăn 0 đồng” cung cấp khoảng 800 suất ăn miễn phí, nhằm giúp nhiều người bớt khó khăn trong mùa dịch.
Nhân rộng những nghĩa cử đẹp
Cùng những suất ăn miễn phí, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn Hà Nội đã giảm giá, miễn tiền phòng trọ cho công nhân, người lao động thuê trọ, nhằm giúp người lao động giảm bớt chi phí, bớt gánh nặng để vượt qua dịch bệnh. Như ở quận Tây Hồ, từ đầu tháng 8/2021, UBND quận đã làm việc với 2.295 chủ phòng trọ đề nghị giảm giá thuê hỗ trợ người lao động trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch, với số tiền giảm được là 2,7 tỷ đồng.
Tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thời gian qua, đã có 190 chủ nhà trọ thực hiện miễn giảm tiền thuê 1.295 phòng trọ cho người thuê trọ với tổng số tiền 664,4 triệu đồng. Qua đó, góp phần giảm gánh nặng rất lớn cho các trường hợp người dân đang lưu trú, thuê trọ trên địa bàn phường.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Đức, tổ dân phố Xuân Lộc 1 có 20 phòng trọ, với 55 người ở trọ. Ngay khi nhận được thư ngỏ do Chủ tịch UBND phường ký gửi các hộ gia đình có nhà cho thuê trên địa bàn đề nghị hỗ trợ người thuê nhà, ông Đức đã rà soát, miễn phí ngay 3 phòng với tổng số tiền 8 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông cũng giảm giá cho 17 phòng trọ còn lại, mỗi phòng từ 800 ngàn - 2 triệu đồng, hỗ trợ người thuê nhà gạo, lương thực phẩm… với tổng chi phí hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Liên, người dân thuê trọ tại phường Xuân Đỉnh xúc động: Từ Hòa Bình, tôi xuống Hà Nội làm thuê. Khi Thành phố áp dụng Chỉ thị 17 của thành phố, tôi bị “mắc kẹt” lại luôn. Tiền ăn cũng gần hết, may được chủ nhà trọ giảm tiền phòng từ 2 triệu xuống 1,2 triệu và cho nợ lại đến sau ngày giãn cách. Tôi cảm thấy thật may mắn và xúc động”.
Tại huyện Đông Anh, UBND 4 xã trong Khu công nghiệp Thăng Long đã vận động 1.300 chủ phòng trọ miền giảm tiền phòng trọ cho công nhân, người lao động trong Khu công nghiệp. Điển hình như ông Nguyễn Trọng Hào, xã Võng La có 20 phòng trọ đã giảm 80% tiền phòng. Hay như ông Hà Thế Huệ, tặng 2 tháng tiền phòng cho các công nhân nhằm giúp đỡ công nhân vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Còn rất nhiều nghĩa cử đẹp của người dân Thủ đô trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Điển hình như mô hình "Shiper áo xanh" của Đoàn Thanh niên xã Kim Sơn, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm với hàng chục thành viên, tình nguyện nhận vận chuyển đồ từ cửa hàng, hiệu thuốc đến nhà miễn phí cho người dân; mô hình “Đi chợ thay cán bộ, hội viên phụ nữ bằng những chuyến xe 0 đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Liễu Giai (quận Ba Đình) tổ chức; các mô hình “Chợ không người bán” cung cấp thực phẩm đồng giá 10 ngàn đồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; mô hình “Bếp ăn mùa dịch” của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Trì vừa cung cấp suất ăn miễn phí phục vụ lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch vừa hỗ trợ suất ăn cho người lao động nghèo, những người mất việc làm… Qua đó, giảm bớt khó khăn cho người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong thời điểm cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
Trong gian khó, nghĩa cử, tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại có dịp tỏa sáng, nhân lên tinh thần tương thân tương ái của người dân Hà Nội trong những ngày giãn cách. “Những nghĩa cử ngày càng lan tỏa, cùng thắp lên ngọn lửa sưởi ấm lòng người trong lúc khó khăn, tiếp thêm động lực trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội chia sẻ.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)