Theo nghề gia tộc
Sinh ra trong một gia tộc có truyền thống về vẽ tranh tường (bích họa) và điêu khắc, từ nhỏ, cô bé Sơn Trà The đã được ông ngoại là nghệ nhân Lý Nghét và mẹ là nghệ nhân Lý Lệ Sông cùng cậu ruột là nghệ nhân Lý Lết truyền dạy những nét vẽ cơ bản về nghệ thuật vẽ tranh tường.
Năm 14 tuổi, cô bé Sơn Trà The được theo ông ngoại và mẹ cùng cậu ruột đi vẽ ở những ngôi chùa Nam Tông Khmer nổi tiếng khắp vùng Tây Nam Bộ. 4 năm sau, khi mới tròn 18 tuổi, Sơn Trà The đã trở thành nghệ nhân vẽ tranh tường chuyên nghiệp, được nhiều nhà chùa Khmer ở Sóc Trăng mời tới thực hiện những tác phẩm dựa theo truyền thuyết trong kinh Phật. Đó là các ngôi chùa: Tum Núp, Trà Quýt Mới, Pro Lean (huyện Châu Thành); Đay Ta Sús (huyện Mỹ Tú); Săng Ke (huyện Long Phú); Sro Lôn (huyện Mỹ Xuyên); Pôthisattharam (Tp. Sóc Trăng)… và một số chùa Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong số các tác phẩm tranh tường đã thực hiện, phải kể đến những bức tranh tường vẽ về cuộc đời Đức Phật mà nghệ nhân Sơn Trà The thực hiện tại ngôi chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).
Đây là một tác phẩm tranh tường được thực hiện rất công phu, tinh tế, phản ánh về tiểu sử của Đức Phật từ lúc mới sinh ra đến khi trưởng thành: Hình ảnh đi dạo trong thành, xuất gia đi tu, ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề có rắn thần (Naga) che chở, cảnh tu khổ hạnh, đắc đạo, thuyết pháp và cuối cùng là cảnh Đức Phật nhập Niết bàn. Những tác phẩm tranh tường của Sơn Trà The không chỉ được các vị sư chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu) đánh giá cao về mặt nội dung, nghệ thuật hội họa mà còn được du khách trầm trồ, ngưỡng mộ.
Theo nghệ nhân Sơn Trà The, nghề vẽ tranh tường ở các ngôi chùa Khmer ngoài sự đam mê, tâm huyết còn đòi hỏi người nghệ nhân phải thật am hiểu về Phật giáo Nam Tông, cốt truyện tích Phật. Khi vẽ tranh tường về đề tài Phật giáo, nghệ nhân gửi gắm cả đức tin thiêng liêng vào từng nét vẽ để thể hiện sự tôn kính đối với Đức Phật.
Nói về thành công của mình, chị Sơn Trà The cho biết, đó là nhờ may mắn có ông ngoại (nghệ nhân Lý Nghét) truyền dạy, chỉ dẫn rất bài bản về cách thức pha chế nước sơn, bố cục khuôn hình, ráp hình làm sao cho thật cân đối, bảo đảm tính thẩm mỹ cao. Khi ông ngoại mất, nghệ nhân Sơn Trà The lại được mẹ trao truyền một quyển sổ đặc biệt quý giá do ông ngoại công phu sưu tầm ghi chép lại tỉ mỉ về các loại mẫu hoa văn, quy cách, kỹ thuật vẽ tranh tường truyền thống của dân tộc Khmer.
"Nghề vẽ tranh tường ở các ngôi chùa Khmer ngoài sự đam mê, tâm huyết còn đòi hỏi người nghệ nhân phải thật am hiểu về Phật giáo Nam Tông, cốt truyện tích Phật. Khi vẽ tranh tường về đề tài Phật giáo, nghệ nhân gửi gắm cả đức tin thiêng liêng vào từng nét vẽ để thể hiện sự tôn kính đối với Đức Phật”.
Cặp đôi “song kiếm hợp bích”
Năm 1995, nghệ nhân Sơn Trà The kết duyên cùng nghệ nhân Lâm Phiên ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Cả hai vợ chồng đều là học trò của nghệ nhân Lý Nghét, nhưng mỗi người có một sở trường riêng. Sở trường chính của nghệ nhân Sơn Trà The là vẽ tranh tường, trang trí hoa văn. Còn sở trường của nghệ nhân Lâm Phiên là điêu khắc nghệ thuật (chính) và vẽ tranh tường (phụ). Nhờ đó, khi thực hiện những tác phẩm tranh tường, điêu khắc ở các ngôi chùa Khmer cặp đôi “song kiếm hợp bích” sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, sinh động.
Nói về nghệ thuật điêu khắc, nghệ nhân Lâm Phiên cho biết, từ xưa đến nay, nghệ thuật điêu khắc không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc nhà chùa mà còn thể hiện sâu sắc ý nghĩa tâm linh theo quan niệm Phật giáo Nam Tông. Nghệ thuật điêu khắc được thể hiện rất công phu và phong phú về đề tài cũng như chất liệu (gỗ, đá, kim loại, xi măng), với nhiều hình dáng hoa văn độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Khmer Nam Bộ.
Ngoài hình ảnh các nhân vật trong Phật tích, thần thoại, huyền thoại, các nghệ nhân điêu khắc cũng rất quan tâm đến cảnh vật xung quanh như cỏ cây, hoa lá để thể hiện hoa sen, hoa văn lửa, dây leo, cây trúc, cây bồ đề… Trong đó, hoa sen là mô típ quen thuộc được nhấn mạnh và thể hiện nhiều nhất trong tất cả các công trình kiến trúc chùa Khmer với nhiều hình dáng được cách điệu khác nhau từ sen búp, sen nở, đến sen làm bệ tượng Đức Phật. Bởi lẽ, người Khmer quan niệm hoa sen chính là biểu tượng cao quý nhất của Phật giáo. Những tác phẩm điêu khắc phù điêu, chạm trổ còn có các linh thú, các vị thần tiên chúc phúc, kỳ lân, sư tử, nàng kaynor, chim thần krud…
Gần 30 năm qua, khi được các sư trụ trì mời thực hiện những tác phẩm nghệ thuật tranh tường, hoa văn, điêu khắc cho nhà chùa, nghệ nhân Sơn Trà The và Lâm Phiên đều đảm nhận. Với niềm đam mê, tâm huyết, óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, cặp vợ chồng nghệ nhân Sơn Trà The - Lâm Phiên đã ứng dụng mọi phương diện, chất liệu để góp phần trang trí cho rất nhiều ngôi chùa Khmer Nam Bộ trở nên thật hoàn mỹ, hoành tráng, rực rỡ và lộng lẫy.