Sau khi nghe lãnh đạo Ngân hàng LVB báo cáo kết quả hoạt động, thông báo mục đích chuyến thăm chính thức Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng chứng kiến sự phát triển của LVB trong suốt 23 năm hoạt động tại Lào, là đơn vị đi đầu trong đóng góp cho ngân sách nhà nước Lào trong các năm qua.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống LVB, LVB đã cung cấp dịch vụ thu hộ các loại thuế phí cho ngân sách Nhà nước Lào.
Với sự hỗ trợ từ “ngân hàng mẹ” BIDV, Ngân hàng LVB là một trong các ngân hàng thương mại có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại nhất với nhiều giải thưởng quốc tế về core banking/ về ngân hàng số/ về công nghệ và sáng tạo và là ngân hàng đầu tiên có trung tâm dự phòng hiện đại đạt chuẩn, là ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ sinh trắc học vân tay trong xác thực giao dịch khách hàng tại Lào.
Bên cạnh các sản phẩm Ngân hàng truyền thống, LVB lần lượt cho ra đời các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại như ngân hàng số Digitalbanking, eKYC, QRpay, các dịch vụ thanh toán thông minh…
LVB hiện đứng đầu các ngân hàng Việt Nam tại Lào với quy mô hoạt động lớn, với sự hỗ trợ từ ngân hàng mẹ là BIDV đã cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại, quản lý, giải ngân vốn ODA của Chính phủ Việt Nam, cung cấp vốn tín dụng cho các Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận trong thời gian qua, ngân hàng có nhiều cách làm sáng tạo, vượt khó do tác động của dịch Covid-19, duy trì hoạt động; đồng thời đánh giá cao mô hình Ngân hàng liên doanh Lào-Việt, một liên doanh hiếm hoi có cùng một lúc hai tổ chức Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, BIDV, với 23 năm hiện diện tại Lào cần đóng vai trò làm cầu nối xúc tiến đầu tư, tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Hiện, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương mới chỉ đạt 1,3 tỷ USD, còn xa so với mục tiêu 2 tỷ USD mà 2 bên đã đặt mục tiêu. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp cần phải tận dụng thị trường Lào, một thị trường rất gần về địa lý (chưa đến 1 giờ đồng hồ bay).
Bên cạnh hoạt động tín dụng, BIDV và LVB cần phát triển các dịch vụ phi tín dụng để thúc đẩy mục tiêu này.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt-Lào là quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới, là tài sản quý cần được tiếp tục củng cố và nâng cao.
Chủ tịch Quốc hội gợi mở, BIDV cần phát huy lợi thế 23 năm hoạt động tại nước bạn, với sự hiểu biết phong tục, tập quán… để có thể tạo bước phát triển đột phá, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với 23 năm hoạt động kinh doanh đồng thời làm tốt trách nhiệm xã hội, đóng góp an sinh, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo tại các tỉnh của Lào, BIDV và LVB sẽ tiếp tục phát huy kết quả này.
BIDV có trung tâm nghiên cứu và tư vấn lớn, uy tín, do đó doanh nghiệp có những báo cáo nghiên cứu tình hình đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào để góp phần cùng Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngân hàng Liên doanh Lào-Việt (LVB) được thành lập ngày 22/6/1999, có vốn điều lệ đạt 791,3 tỷ kíp Lào (tương đương 100 triệu USD quy đổi tại thời điểm góp vốn).
Hiện nay, LVB có mạng lưới hoạt động rộng khắp với hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch khang trang, hiện đại, có mặt tại 9/18 tỉnh thành phố lớn của Lào, tạo công ăn việc làm cho gần 500 cán bộ với thu nhập bình quân từ trên 8 triệu LAK/cán bộ/tháng (gấp khoảng hai lần so với thu nhập bình quân đầu người tại Lào).
Là ngân hàng thương mại số 1 của Việt Nam tại Lào, LVB là một trong ba tổ chức tài chính lớn nhất tại Lào (tổng tài sản LVB hiện đứng thứ 3 toàn ngành ngân hàng Lào, đạt xấp xỉ 1,1 tỷ USD, gấp khoảng 100 lần so với thời điểm thành lập).