Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Góp nhặt yêu thương

Thanh Hải - 11:36, 11/08/2021

Giữa “cơn bão” Covid-19 đang hoành hành, đã có lúc, ở đâu đó, nhiều người cảm thấy bất an. Nhưng rồi, nỗi lo lắng ấy đã qua nhanh, bởi giữa gam màu xám xịt của dịch bệnh, tình người vẫn tỏa sáng. Bao việc tử tế của những con người tử tế đã lan tỏa trong cộng đồng từ những hành động, việc làm rất đỗi yêu thương.


Đoàn viên thanh niên Hà Tĩnh tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất cho khu cách ly tập trung
Đoàn viên thanh niên Hà Tĩnh tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất cho khu cách ly tập trung

Những việc làm tử tế

Chỉ tính sơ bộ tháng 6 và đầu tháng 7, TP. Hồ Chí Minh đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh Bến Tre 500 triệu đồng, tỉnh Bình Định 2 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp ủng hộ lương thực và nông sản trị giá 300 triệu đồng, TP. Hải Phòng ủng hộ 10 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng ủng hộ 2 tỷ đồng, tỉnh Long An ủng hộ 50 tấn gạo, tỉnh Quảng Nam ủng hộ 2 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ 1 tỷ đồng, tỉnh Tây Ninh ủng hộ 1 tỷ đồng (Quỹ Vaccine), tỉnh Thanh Hoá ủng hộ 2 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Long ủng hộ 10 tấn nông sản…

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam quay cuồng trong “bão dịch” Covid-19. Nhiều khu vực bị phong tỏa khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Người dân nơi vùng dịch đã rất khó khăn, thiếu thốn về nhu yếu phẩm hàng ngày. Trong cơn bĩ cực ấy, đồng bào cả nước đã có những việc làm, hành động đẹp đầy sẻ chia, cảm thông hướng về người dân vùng dịch.

Khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước… thì ở khắp mọi miền từ Bắc chí Nam đã xuất hiện bao việc làm, hành động tử tế của những con người tử tế cùng hướng về tâm dịch với sự sẻ chia chân tình, ấm áp. “Tâm dịch” giờ đây đã không riêng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam mà đã ở ngay nội tại từng tỉnh, từng thành phố. 

Bản đồ dịch tễ đã “đỏ rực” khắp cả nước. Người dân ở “vùng ngoài dịch” đã tự nguyện góp tiền, góp hiện vật là gạo, rau, muối, dầu ăn… rồi thuê mượn xe chở vào gửi tặng người dân vùng dịch trong cơn bĩ cực.

Nhìn từ Nghệ An, để thấy tình người ấm áp từ những việc làm giản đơn, bình dị. Hay tin huyện Quỳnh Lưu đang “gồng mình” chống dịch, đồng bảo các DTTS xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương đã rủ nhau lên rẫy hái măng, bắp chuối, rau… gửi tặng bà con vùng dịch. 

Dẫu đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng khi “một con ngựa đau”, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã vùng biên này,  đã gạt bỏ qua tất cả những thiếu thốn của cuộc sống đời thường chỉ với một ý nghĩ duy nhất: chống dịch và góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

Toàn bộ 2,5ha củ cải trắng đã được nông dân Nguyễn Văn Kiều ủng hộ cho bà con vùng dịch
Toàn bộ 2,5ha củ cải trắng đã được nông dân Nguyễn Văn Kiều ủng hộ cho bà con vùng dịch

Hành động của nông dân Nguyễn Văn Kiều ở bon R'but, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) như càng khiến chúng ta thêm ấm lòng, bằng việc làm tử tế là ủng hộ 2,5ha củ cải trắng cho Nhân dân vùng dịch. Vườn củ cải là tài sản góp vốn giữa Kiều và một người bạn, với số tiền khoảng 100 triệu đồng. Sau 50 ngày chăm sóc, từ 2,5ha có thể cho thu hoạch từ 60-70 tấn củ với giá bán dao động khoảng 1.500- 2.000 đồng/kg. 

Nguyễn Văn Kiều thổ lộ: "Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, ai có điều kiện, họ ủng hộ tiền, ủng hộ gạo. Mình là nông dân, chỉ có vườn cải là có giá trị. Mình tặng người dân củ cải, coi như góp phần giúp người lao động nghèo có rau củ ăn trong mùa dịch này".

Người góp của, người góp công; đã biết có bao thanh niên, học sinh, sinh viên, giáo viên… đã tình nguyện vào vùng dịch, hỗ trợ bà con vùng dịch bằng tất cả sự nhiệt huyết của bản thân. Đấy là hình ảnh những tình nguyện viên nấu ăn ở các khu cách ly, những tình nguyện viên trực chốt, những tình nguyện viên tham gia làm nhiệm vụ tại khu cách ly và khu vực công cộng, những tình nguyện viên “shipper áo xanh” tham gia vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng dịch… 

Đội ngũ tình nguyện viên là các y bác sĩ cũng đã gạt bỏ tình riêng để lao vào việc chung, để tham gia phòng, chống dịch từ tuyến đầu. Nhiều người trong số họ con còn nhỏ dại, thậm chí đã “phó mặc” con cái cho cha mẹ già yếu để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Hàng trăm y, bác sĩ… đã từng lên đường “Nam tiến” vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hay thậm chí là xung phong vào vùng có dịch, đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì chỉ với một tâm nguyện: góp sức nhỏ vì mục tiêu lớn chống dịch.

Các cấp, ngành, đoàn thể, người dân Quảng Trị hướng về “tâm dịch” phía Nam
Các cấp, ngành, đoàn thể, người dân Quảng Trị hướng về “tâm dịch” phía Nam

Động lực để vượt qua dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, vaccine là cách tốt nhất để vượt qua. Việc tiêm đủ các liều vaccine sẽ giúp xã hội đạt được hệ miễn dịch cộng đồng, từ đó ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng, vaccine đang quá thiếu, thì động lực để chúng ta vững tin vượt qua đại dịch đang là những hành động, việc làm tử tế; sẻ chia khó khăn giữa những con người với nhau.

Những gùi măng vượt núi rừng về phố, những chai nước đưa vội bên đường cho dòng người hồi hương, những ổ bánh mì tiếp tế tại chốt trực kiểm soát phòng dịch, những bữa ăn thiện nguyện cho khu cách ly… khiến chúng ta thêm ấm áp. Chẳng thể đủ đầy nhưng là tình cảm, tấm lòng; là động lực, là nguồn sức mạnh vô giá để người dân vùng dịch vững tin bước tiếp.

Điều đáng trân quý là, trong hoàn cảnh dịch bệnh đầy khó khăn, hơn lúc nào hết tinh thần sẻ chia, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau càng trở nên sáng rõ, trở thành một tâm thế chung của cả xã hội, là sự kết hợp giữa ý thức tự giác với hành động thiết thực, không ngừng nhân lên trong cộng đồng. Mỗi tổ chức, cá nhân, dù hoàn cảnh khác nhau, dù thông qua hội nhóm, đoàn thể hoặc tự thân đều mong muốn được góp sức, có việc làm ý nghĩa, thiết thực, kịp thời động viên nhau cùng vượt qua đại dịch.

Bao hành động, việc làm nghĩa tình tựa như mầm cây âm thầm nảy nở trong mọi hoàn cảnh, nhen lên trong mỗi chúng ta niềm tin yêu vào cuộc đời. Đó là nguồn năng lượng tích cực đang không ngừng lan tỏa, tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng, góp phần giúp chúng ta vượt qua khó khăn. 

Nói cách khác, truyền thống dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào gắn kết, tấm lòng sẻ chia trong gian khó chính là nguồn lực nội sinh, tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc để chiến thắng dịch bệnh. Giữa dịch bệnh, những yêu thương đang được góp nhặt để tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại nồng đượm và lan tỏa.

Chúng ta đã đẩy lùi bao đợt dịch, thì hôm nay, bằng sự tương trợ, đoàn kết, bằng những hành động đẹp và cảm động, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao… chúng ta không có lí do gì lại không chiến thắng dịch bệnh.

(Nội dung tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.