Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giữ gìn nét đẹp kiến trúc truyền thống trên Cao nguyên đá

PV - 14:08, 26/12/2018

Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trải rộng trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với nhiều đặc trưng riêng như thiên nhiên, văn hóa, có giá trị rất lớn đối với ngành Du lịch Hà Giang. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội, nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc riêng của Cao nguyên đá có nguy cơ bị mai một, đặc biệt là kiến trúc truyền thống.

Cao nguyên đá Nhiều ngôi nhà ở vùng Cao nguyên đá lợp mái bằng prô xi măng thay cho ngói âm dương truyền thống.

Những giá trị còn mãi với thời gian

Hà Giang vẫn được biết đến với mùa hoa tam giác mạch hồng rực trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nhưng phải ai đã đi mới biết, nơi đây còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón du khách khám phá. Hà Giang còn có 11 hùng quan mà nổi bật trong đó là “tứ đại kỳ quan”: Cao nguyên đá Đồng Văn, Dinh thự họ Vương, cột cờ Lũng Cú và con đường Hạnh phúc.

Nhắc đến Dinh thự họ Vương, một tòa dinh thự bề thế giữa Cao nguyên đá khắc nghiệt, một kiến trúc nguyên vẹn hình chữ “Vương” in dấu giữa trời xanh nơi biên cương Tổ quốc. Được ví như một hòn ngọc xanh giữa lòng công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, trải bao tháng năm lịch sử, Dinh thự họ Vương vẫn sừng sững khoe vẻ đẹp giữa núi rừng Tây Bắc. Trong đó, có lẽ kiến trúc độc đáo chính là điều tạo nên sức hấp dẫn của tòa dinh thự này.

Hay như khu chợ phố cổ Đồng Văn (Hà Giang), được hình thành từ đầu thế kỷ XX, ban đầu chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ cao cao... Đây là lối kiến trúc có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc tại 4 huyện Cao nguyên đá nhằm chống lại nhiệt độ lạnh giá của mùa Đông và giữ cho không gian nhà ở được mát mẻ vào mùa Hè.

Bảo tồn và phát triển

Những năm gần đây, vùng Cao nguyên đá có sự đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh thành quả đổi thay của đời sống kinh tế-xã hội, có những giá trị đứng trước nguy cơ bị mai một, đó là kiến trúc truyền thống. Biểu hiện rõ ràng nhất là chất lợp truyền thống, ngói âm dương ở các làng bản dần được thay thế bằng Phi-bờ-rô xi- măng hoặc những mái tôn xanh, đỏ. Những ngôi nhà trước đây trình tường, bờ rào đá nay dần được thay thế bởi chất liệu gạch làm từ bột đá…

Trong thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai công tác bảo tồn các kiến trúc truyền thống tại 4 huyện Cao nguyên đá. Các làng văn hóa du lịch cộng đồng tại các xã, thôn bản ở Cao nguyên đá đã góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, thu hút một lượng lớn khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng đã xúc tiến công tác bảo tồn các kiến trúc truyền thống như quần thể kiến trúc Nhà Vương, Khu Phố cổ huyện Đồng Văn…

Lên Cao nguyên đá, đến những xóm, bản sát các tuyến đường ô-tô đi qua, cho thấy sự thay đổi càng rõ nét hơn. Đi sâu vào các xóm vẫn còn bắt gặp những mái nhà truyền thống xen kẽ ngôi nhà xây dựng bằng vật liệu mới. Nhưng xu hướng xây dựng mới sẽ dần xóa đi hình ảnh những mái nhà truyền thống với mái ngói âm dương, trình tường, hàng rào đá. Thậm chí tại những vùng giáp biên, không ít hộ bê nguyên lối kiến trúc của người dân nước bạn về xây dựng.

Anh Lỳ Xuân Tiến, huyện Đồng Văn chia sẻ, khi xây dựng nhà, anh đã lựa chọn sử dụng những loại vật liệu mới thay vì dựng nhà kiểu truyền thống vì chi phí thấp, dễ mua. Thêm vào đó, nơi anh sinh sống không còn những lò nung ngói, rất khó để tìm mua.

Được biết, khi Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, nhiều khuyến nghị của các chuyên gia đang được Hà Giang nỗ lực thực hiện, bảo tồn, xây dựng và phát huy hiệu quả. Một trong những vấn đề được khuyến nghị có tính xuyên suốt là bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Điều này được tỉnh Hà Giang rất quan tâm nhằm hướng tới mục tiêu phát huy các giá trị di sản, đặc biệt giá trị văn hóa truyền thống cho phát triển của vùng.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Trưởng BQL Công viên Địa chất toàn cầu-Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, thời gian qua, Hà Giang đã quan tâm đến việc bảo tồn kiến trúc truyền thống trên Cao nguyên đá. Một số làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc)… đã phát huy hiệu quả nét đẹp truyền thống, thu hút lượng lớn du khách. Nhiều kiến trúc truyền thống được bảo tồn, nhiều nhà nghỉ, nhà hàng tư nhân đã chú trọng đến việc thiết kế, xây dựng theo lối truyền thống.

Tuy nhiên, theo ông Giang, để bảo tồn các giá trị văn hóa, rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trước mắt, cần tập trung phát huy kiến trúc truyền thống tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, các điểm du lịch. Từ đó, sẽ phát triển rộng ra đến nhiều địa phương khác. Đây sẽ là giải pháp để từng bước giữ gìn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.