Trời mưa dầm dề, cây cối ướt sũng. Đường vào rừng phòng hộ ở xã Đăk Kôi dốc cao trơn trượt, nhưng những người dân giữ rừng vẫn không quản ngại đưa chúng tôi đến thăm rừng.
Ở khu vực rừng giao khoán cho dân theo chính sách dịch vụ môi trường rừng, mặc dù gần nương rẫy của dân, nhưng tôi không thấy có dấu hiệu phát đốt hay khai thác gỗ trái phép. Anh A Nai-hộ nhận khoán ở thôn 4 cho biết: Rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy giao khoán cho dân trong thôn rộng, giáp với rừng xã Đăk Ui. Nếu đi thăm hết cả khu rừng phải đi sớm, đem theo nồi để tối nấu cơm và căng bạt, võng nghỉ đêm giữa rừng, xế chiều ngày hôm sau mới về đến nhà.
Bàn về nhận khoán, anh A Nai cho biết: Gia đình tôi được Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy giao khoán 17,8ha rừng. Năm vừa qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy chi trả gần 8 triệu đồng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng. So với việc giao khoán trước đây thì việc giao khoán rừng theo chính sách dịch vụ môi trường hiện nay người dân nhận tiền khoán bảo vệ rừng cao hơn nhiều. Vì vậy, người dân có ý thức bảo vệ rừng. Gia đình tôi cũng như các hộ nhận khoán không dám để xảy ra phá rừng, mất rừng” .
Ở một khu rừng khác giao khoán cho người dân thôn 6 (xã Đăk Kôi), chúng tôi thấy rừng vẫn còn giữ được nét nguyên sinh. Mặc dù rừng giao khoán gần thôn (cách khu dân cư khoảng 1,5km), nhưng không thấy các dấu hiệu rừng bị xâm hại.
Anh Lê Văn Hoàng, dân tộc Thái-hộ nhận khoán ở thôn 6 khoe: Gắn bó với rừng và được nghe cán bộ tuyên truyền về sự cần thiết phải bảo vệ rừng, mình hiểu được rừng có vai trò quan trọng với cuộc sống. Rừng điều hòa khí hậu, cân bằng môi trường sinh thái, cung cấp oxy, hạn chế bão lũ, tạo ra mạch nước ngầm cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô, cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện hoạt động, cung cấp gỗ…
Anh Hoàng cho biết thêm, gia đình anh nhận khoán 22,3ha rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy. Cùng với các hộ nhận khoán khác, thôn 6 thành lập 3 tổ quản lý bảo vệ rừng. Hàng tháng, các tổ trong thôn thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Chính vì vậy, gia đình anh cũng như người dân trong thôn luôn bảo vệ tốt diện tích rừng nhận khoán. Hàng năm, các hộ nhận khoán được Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 2 đợt (đợt đầu vào khoảng cuối tháng 12 năm cũ và đầu tháng 1 năm mới; đợt thứ hai vào tháng 6). Không tính những năm trước, năm vừa qua, gia đình anh được nhận hơn 8 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Khi nhận tiền, gia đình vào sổ theo dõi để dễ đối chiếu. “Gắn bó quyền lợi với trách nhiệm, các hộ nhận khoán chúng tôi đều ý thức việc phải bảo vệ để rừng ngày thêm xanh. Bà con không dám để mất rừng đâu!” , anh Hoàng quả quyết.
Theo ông Trần Ngọc Trường Thịnh, Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng Kon Rẫy, thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, trong tổng diện tích 14.724,3ha rừng được Nhà nước giao quản lý bảo vệ, Ban giao khoán lại 9.500ha rừng cho 512 hộ dân (452 hộ ở xã Đăk Kôi và 60 hộ ở thị trấn Đăk Rve) quản lý bảo vệ. Tùy theo từng lưu vực mà mức khoán ở đó cao hay thấp. Rừng giao khoán cho người dân theo chính sách dịch vụ môi trường rừng, người dân bảo vệ tốt. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, người dân không để xảy ra mất rừng.
Có thể khẳng định, chính sách dịch vụ môi trường rừng với việc giao khoán rừng cho dân ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy đang phát huy hiệu quả. Giao khoán rừng cho dân, người dân giữ rừng xanh hơn và giúp họ có thêm một khoản thu nhập từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng để nâng cao đời sống.
Anh Lê Văn Hoàng, dân tộc Thái-hộ nhận khoán ở thôn 6 cho biết , gia đình anh nhận khoán 22,3ha rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy. Cùng với các hộ nhận khoán khác, thôn 6 thành lập 3 tổ quản lý bảo vệ rừng. Hàng tháng, các tổ trong thôn thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Chính vì vậy, gia đình anh cũng như người dân trong thôn luôn bảo vệ tốt diện tích rừng nhận khoán.”
VĂN NHIÊN