Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giỗ Tổ Hùng Vương - Tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

PV - 06:10, 29/04/2023

Như thông lệ cứ đến ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm, Nhân dân ta trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài lại hướng về Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, nơi diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với tất cả lòng thành kính, tri ân.



Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp người dân cả nước thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Ảnh: Tư liệu
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp người dân cả nước thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Ảnh: Tư liệu

Sáng nay, đúng ngày chính lễ, tại Đền Thượng thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa du lịch đất Tổ năm nay do tỉnh Phú Thọ tổ chức gắn với kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO ghi danh. Do vậy, từ ngày 21 đến 29/4 tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng và thành phố Việt Trì đã diễn ra nhiều sự kiện nhằm tôn vinh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương của các huyện, thành phố và khu vực chung quanh tại Đền Hùng...

Cùng với đó là nhiều sự kiện tôn vinh 15 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của cả nước đã được UNESCO vinh danh như Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Tại đây, các đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố đã mang đến những sản phẩm văn hóa đặc sắc nhất. Trong đó, mỗi loại hình là một sản phẩm tinh thần, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào và du khách thập phương về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Ban Tổ chức đã xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, phòng chống cháy nổ cũng như công tác phòng, chống dịch; đồng thời, bảo đảm an toàn các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành phố và nhân dân về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Ngoài ra, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tăng cường chỉnh trang trong và ngoài Khu di tích, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường. Các đường lên đền, chùa, khu cảnh quan, nơi du khách thường dừng chân, các nhà hàng phục vụ ăn uống hay quầy bán hàng đều được bố trí thùng rác ở nơi thuận tiện; các khu vệ sinh công cộng cũng được bố trí sạch sẽ và phù hợp với cảnh quan, đồng thời tiếp tục duy trì 5 không như không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính "chặt chém"; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội.

Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp người dân cả nước thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vượt lên những giá trị lịch sử, tâm linh, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.