Từ ngàn xưa đến nay, ngày Mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm là ngày thiêng liêng của con dân nước Việt; là ngày Giỗ Tổ để tưởng nhớ các vị Vua Hùng từ thời hồng hoang đã khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, xây dựng nên giang sơn Việt Nam gấm vóc.
Truyền thuyết người mẹ khởi nguyên Âu Cơ sinh ra cái bọc có trăm trứng, nở ra 100 người con; 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển tượng trưng cho toàn thể dân tộc chung một cội nguồn, hình thành nên “nghĩa đồng bào” thiêng liêng, sâu nặng. Ca dao xưa nhắc nhở rằng: “Tuy rằng xứ Bắc, xứ Đông/ Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em”; “Anh em cốt nhục đồng bào/ Kẻ sau người trước, thuận hòa cho vui”…
Vì thế, hai tiếng “đồng bào” chính là lời hiệu triệu.
Cách đây 75 năm, khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, câu đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Hỡi đồng bào cả nước!”. Rồi Người nhấn mạnh: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Đến “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (ngày 19/12/1946), Bác viết câu đầu tiên: “Hỡi đồng bào cả nước! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!...”.
Lúc này đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang quét qua hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 3,5 vạn người và chắc chắn chưa dừng lại ở đó. Chưa bao giờ, tính mạng con người lại trở nên mong manh như vậy.
Và, hai tiếng “đồng bào” một lần nữa được cất lên, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng.
“Thưa đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu lời kêu gọi toàn dân chống dịch như vậy hôm 30/3.
Tình thế phải cấp bách thế nào, khó khăn, thử thách phải lớn lao thế nào, chúng ta mới cần tổng động viên tất cả các lực lượng trong xã hội. Bài học tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang hiện hữu. Nếu chậm một bước, sai lầm một bước, để dịch bệnh lây lan theo cấp số nhân thì mọi cố gắng, mọi nỗ lực của hàng triệu con người đều trở nên vô nghĩa.
Tại thời điểm cực kỳ quan trọng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa kêu gọi đồng bào ta ở trong và ngoài nước hãy phát huy tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, sát cánh cùng Chính phủ, “chống dịch như chống giặc”; mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận ấy. Hai tiếng “Đồng bào” là lời hiệu triệu thiêng liêng hơn lúc nào hết.
Để phòng, chống dịch Covid-19, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì (thay vì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì như dự kiến), thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút ngày 2/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch). Ban Tổ chức chỉ tổ chức phần Lễ, không tổ chức phần Hội; hạn chế số lượng đại biểu tham dự và không truyền hình trực tiếp Lễ dâng hương; bảo đảm trang nghiêm, thành kính, an toàn, tiết kiệm, thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.