Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông là xã biên giới đông đồng bào DTTS sinh sống. Thời điểm này đang là mùa mưa nên đồng bào tất bật lên rẫy gieo hạt, đi rừng lấy măng đọt, bắt cá suối. Chính vì vậy, việc vận động cho học sinh đến trường lại càng thêm khó khăn.
Thầy giáo Trần Nam Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Bu Prăng, xã Quảng Trực chia sẻ: Ngay từ đầu tháng 8, giáo viên ở đây đã phải quay lại trường làm việc, chủ yếu là đi vận động, kêu gọi học sinh đến trường. Vì đối với đồng bào nơi đây, việc mưu sinh kiếm tiền trang trải cuộc sống được đặt lên hàng đầu. Nhiều phụ huynh quan niệm rằng, một người đi học là mất một công lao động, mất tiền mua sắm, học phí… Do vậy, việc vận động học sinh đến trường đầu năm học mới cần sự kiên trì, khéo léo và hiểu đúng tâm lý phụ huynh.
Để duy trì được sĩ số lớp, các thầy cô giáo đi bộ hàng chục cây số đến tận nhà, đến các lán trại trên nương rẫy gặp gỡ phụ huynh, học sinh để giải thích về tầm quan trọng của việc cho con em đi học và giải thích rõ, đi học không mất tiền mà còn được cấp gạo, cấp sách vở, cấp tiền thì phụ huynh mới cho con đi.
Cô giáo Hồ Thị Hải Phi, giáo viên Trường THCS Bu Prăng tâm sự, việc vận động học sinh đến trường tuy vất vả nhưng qua mỗi lần đi vận động, giáo viên cũng có thể hiểu hơn được hoàn cảnh của từng em để biết cách động viên, hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp và kịp thời.
Việc vận động học sinh cấp 1-2 nơi vùng biên giới đến trường đã khó, đối với học sinh mầm non càng gian nan hơn. Cô Phan Thị Thương, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan chia sẻ: Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan có đến hơn 80% là học sinh người DTTS. Hầu hết, gia đình các cháu sống rải rác và làm nhà ngay trên đất sản xuất của gia đình, cách trường cả chục cây số, đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, trẻ em theo cha mẹ mưu sinh quên cả việc học. Chỉ còn mấy ngày nữa là bắt đầu năm học mới rồi, nhưng nhiều em vẫn phải theo bố mẹ lên nương rẫy, vào rừng ở lại cả tuần, thậm chí nửa tháng.
Theo cô Phi, năm nào cũng vậy, trước khi vào năm học mới, các thầy cô giáo phải cắt cử nhau đến từng nhà hoặc đi theo người dân vào rừng vận động học sinh về nhà chuẩn bị đi học. Ngày tạnh ráo còn có thể chạy xe máy men theo đường mòn, ngày mưa phải lội bộ băng rừng vì đường trơn trượt, bùn sình lầy không đi xe được. Khó nhất là nhiều phụ huynh không thiết tha với việc cho con đi học nên công tác vận động gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, các cháu 3-5 tuổi, đi học phải có người lớn đưa đón, sợ mất nhiều công không làm được việc nên phụ huynh sẵn sàng đưa con lên rẫy cùng chứ không muốn con đi học. Vì vậy, giáo viên của trường, đặc biệt là các cô giáo người DTTS ở địa phương phải kiên trì, khéo léo thuyết phục mới có hiệu quả.
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Đăk Nông có khoảng 167.000 học sinh các cấp, tăng khoảng 7.600 học sinh so với năm học trước.
Do đó ngoài việc khó khăn trong vận động học sinh đến trường, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra phổ biến ở các huyện, thị xã trên địa bàn. Điển hình như huyện biên giới Tuy Đức thiếu khoảng 117 giáo viên các cấp, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên bậc mầm non.
L.HƯỜNG - QUỐC PHÒNG