Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc Nam
Báo cáo một số nội dung liên quan đến tổng thể triển khai đường cao tốc trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc.
Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đã xác định tuyến đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải được hoàn thành, phải ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua kế hoạch và đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bố trí cho đường cao tốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ quyết tâm cao để thực hiện bằng được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra, hoàn thành 3.000 km đường cao tốc đến năm 2025, 3.500 km đường cao tốc đến năm 2030. Phó Thủ tướng Chính phủ mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, cùng giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Ưu tiên phát triển giao thông miền núi phía Bắc
Trả lời câu hỏi liên quan đến cơ cấu hệ thống giao thông miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ chia sẻ với các tỉnh miền núi phía Bắc là một trong những khu vực có hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém. Do đó, trong nhiệm kỳ này, đã cố gắng đầu tư được một số dự án như đoạn Hòa Bình - Mộc Châu; rồi từ Mộc Châu lên Sơn La và Điện Biên; cao tốc Hà Giang - Phú Thọ; cao tốc Chợ Mới - Thái Nguyên; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; cao tốc kết nối Quốc lộ 18 xuống Móng Cái… dù không phải là dự án trọng điểm quốc gia nhưng có trong kế hoạch thực hiện của nhiệm kỳ này bằng nhiều nguồn vốn có cả ngân sách nhà nước và PPP đều có triển khai những dự án trọng điểm.
Ngoài ra còn có triển khai các dự án sân bay. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến khu vực này và sẽ tranh thủ dồn vào những dự án trọng điểm quan trọng trước; còn dự án này bố trí làm từng bước. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tin tưởng thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị chắc chắn là giao thông miền núi phía Bắc sẽ tốt hơn.
Liên quan đến đường vành đai biên giới kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc cùng với các trục hướng tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho hay, vừa qua đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, do đó việc mở rộng theo khả năng. Bộ sẽ giao cho Tổng cục Đường bộ phối hợp với địa phương nghiên cứu một cách thấu đáo, lập danh sách nghiên cứu và chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2026 - 2030 để có được kế hoạch xây dựng cơ bản về ngành Giao thông.
Ngành giao thông vận tải là xương sống, mạch máu
Phát biểu kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngành Giao thông vận tải là xương sống, mạch máu, giao thông phải đi trước mở đường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Phiên chất vấn đã cho thấy tính thiết yếu của lĩnh vực, sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực rất quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên chất vấn đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đã có 48 đại biểu đăng ký chất vấn, có 30 đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn, 9 đại biểu tham gia tranh luận, còn 18 đại biểu đăng ký nhưng không còn đủ thời gian, đề nghị có văn bản chuyển đến Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính: Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ để đẩy nhanh việc phê duyệt, tiến độ triển khai dự án; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm khả thi cả về tiến độ và bố trí vốn cũng như chất lượng công trình; đồng thời triển khai hàng loạt dự án quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm dự án phù hợp với các quy hoạch liên quan không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; khẩn trương giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia…