Ghi nhận tại Hòa Bình cho thấy, hàng năm, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường học phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các đơn vị, nhà trường. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là Sở Tư pháp, Công an tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền PBGDPL, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Gần đây nhất, ngày 3/10, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT - Công an tỉnh Hòa Bình có mặt tại trường TH&THCS Cù Chính Lan, xã Thống Nhất, TP.Hòa Bình để tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông cho hơn 500 học sinh Nhà trường.
Tại buổi tuyên truyền, đại diện Phòng CSGT đã lần lượt hướng dẫn các em những kỹ năng tham gia giao thông an toàn như: đi bộ qua đường và điều khiển xe đạp an toàn, những kỹ năng cần thiết khi được bố mẹ chở đi học bằng xe máy, ôtô. Đồng thời, được hướng dẫn cách đội mũ bảo hiểm an toàn. Ngay sau đó, đông đảo học sinh đã tích cực đặt câu hỏi về những kiến thức chưa nắm được.
Thiếu tá Từ Minh Cường, cán bộ phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, Các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật cơ bản đều theo hình thức sân khấu hóa. Hình thức này vừa gần gũi, sinh động vừa dễ hiểu nên giúp dọc sinh hiểu rõ hơn các quy định pháp luật và tự giác thực hiện tốt trong cuộc sống hằng ngày. Qua những buổi tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy, tình hình vi phạm giao thông của học sinh giảm đáng kể. Các lỗi vi phạm như: Chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang đã hạn chế…
Nét nổi bật trong công tác tuyên truyền PBGDPL tại trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đó là các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền. Điển hình, trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các trường tổ chức tuyên truyền PBGDPL với các hình thức: thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi…
Tương tự, tại Nghệ An, trong năm học 2021 - 2022, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên được triển khai đồng bộ, các đơn vị đã chú trọng phối hợp với các đơn vị xây dựng nhiều hoạt động có chiều sâu; Chủ động sự phối hợp của nhiều lực lượng của tỉnh như: Công an; Tư pháp; Ban An toàn giao thông; Đoàn Thanh niên… để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh tại đơn vị với các nội dung như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về An toàn giao thông, kỹ năng phòng chống cháy, chữa cháy…
Cụ thể như trong tháng 9 vừa qua, Ban An toàn Giao thông tỉnh Nghệ An phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chương trình tuyên truyền “An toàn giao thông cho học sinh đến trường” cho hơn 2.000 học sinh tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh). Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh được phổ biến, cập nhật các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn. Từ đó, góp phần kìm giảm tai nạn giao thông liên quan đến học sinh; từng bước hình thành và xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn và kỷ cương.
Em Hoàng An Na (học sinh lớp 10A1) phấn khởi chia sẻ: Chương trình “An toàn giao thông cho học sinh đến trường” rất thiết thực và ý nghĩa. Qua đây, em không chỉ hiểu thêm được những kiến thức pháp luật về an toàn giao thông mà còn được trang bị những kỹ năng lái xe an toàn…
Hòa Bình và Nghệ An chỉ là hai trong số 63 tỉnh thành trong toàn quốc chú trọng công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. Đáng mừng là, các địa phương đều chủ động đổi mới phương pháp tuyên truyền để đạt hiệu quả cao.
Ghi nhận tại Hội nghị tổng kết đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2017-2021 diễn ra đầu năm 2022 cho thấy, đề án đã huy động được sự tham gia, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương và sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Điều quan trọng nhất, sau 5 năm thực hiện Đề án 1928, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên đã được nâng lên rõ rệt, số học sinh vi phạm nội quy lớp học giảm xuống, việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; cũng như an ninh trường học ngày càng nghiêm túc và đi vào nề nếp. 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp theo lứa tuổi.
Qua đó, có thể thấy, trong những năm qua, việc đẩy mạnh tuyên truyền và đổi mới phương thức trong phổ biến giáo dục pháp luật trong học đường đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đã góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống.
Đồng thời, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.