Theo báo cáo, toàn vùng 10 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên hiện có 3.076 thôn đặc biệt khó khăn, 347 xã khu vực III, 479 xã khu vực II, 254 xã khu vực I và 26 huyện nghèo được hưởng chính sách đặc thù đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội và công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện tích cực và đạt hiệu quả; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, gắn đào tạo nghề với thị trường lao động và tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trung bình toàn khu vực còn 14,4%, trong đó hộ DTTS chiếm gần 55%; vấn đề chăm lo sức khỏe cho đồng bào DTTS nghèo vùng khó khăn; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng chính sách, đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện thường xuyên…
Tuy nhiên, công tác dân tộc thời gian qua ở các địa phương trong khu vực vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: Tình trạng bỏ học giữa chừng của học sinh DTTS còn diễn ra. Trong năm học 2017-2018, chỉ riêng hai tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai đã có gần 500 học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn; vấn đề ổn định dân di cư ngoài kế hoạch chưa được giải quyết, phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tăng…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã nhìn nhận, đời sống của đồng bào DTTS ở Đăk Lăk vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo còn cao; công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình, chính sách đối với đồng bào vùng DTTS còn chồng chéo...
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện các Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc đã kiến nghị một số nội dung liên quan đến chính sách. Trong đó, đặc biệt là việc cần có cơ chế ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi nhất là những người trực tiếp thực hiện chính sách…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn đề nghị: các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, có những giải pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc đã ban hành; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và chính sách đặc thù đối với vùng DTTS và miền núi; chủ động theo dõi, bám sát, kiểm tra đôn đốc và tổng hợp việc thực hiện chính sách, các chương trình, dự án được đầu tư trong vùng dân tộc; các ban ngành phối hợp phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS.
Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn yêu cầu, các Ban Dân tộc của tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành tham mưu tích cực cho lãnh đạo tỉnh để thực hiện cho được các cơ chế chính sách. Trong đó, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; tăng cường công tác kiểm tra, soát lại các cơ chế, hợp phần liên quan đến chương trình 2085, 2086 cho đồng bào DTTS và các chính sách liên quan đến an sinh xã hội để khi triển khai được đồng bộ, kịp thời với bà con.
LÊ LIÊN - LÊ HƯỜNG