Chị Pi Lao Thị Huệ, dân tộc Raglai, thôn Chà Đung, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Ngoài lên nương làm rẫy, tôi làm các công việc nhà. Chồng đi làm phụ hồ, không phụ giúp vợ việc nhà, chỉ phụ giúp khi mình ốm, bệnh”.
Trong khi đó, tại Đăk Lăk, một cán bộ xã ở từng chia sẻ: Đối với dân tộc Xơ-đăng ở Đăk Lăk, công việc chặt củi, bổ củi là của phụ nữ. Toàn phụ nữ làm hết việc chặt cây, dọn rẫy. Cũng có gia đình đàn ông làm nhưng tỷ lệ ít lắm! Đàn ông đi uống rượu nhiều…
Phỏng vấn nhiều trường hợp khác ở một địa phương vùng DTTS, miền núi phía Bắc, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự “Tôi làm hết những công việc gia đình. Đàn ông không bao giờ quét nhà, không bao giờ giặt đồ, rửa bát. Ở địa phương tôi, trong hàng trăm người đàn ông mới có 1, 2 người tham gia phụ giúp vợ việc nhà”.
Và thực tế là, từ trước tới nay, tại khu vực miền núi, vùng DTTS, từ việc chuẩn bị bữa ăn, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, rửa bát… chăm sóc con cái, cha mẹ đến mua bán hàng hóa và sử dụng các dịch vụ thương mại… đều mặc định do phụ nữ DTTS đảm nhiệm.
Có thể thấy, sự tồn tại dai dẳng những quan niệm mang định kiến giới về vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và cộng đồng là yếu tố ràng buộc phụ nữ DTTS với các công việc gia đình, hạn chế cơ hội làm việc ở doanh nghiệp, khu công nghiệp. Những công việc gia đình chiếm thời gian lớn của phụ nữ DTTS trong khi những công việc này lại không được ghi nhận. Bên cạnh đó, phụ nữ DTTS còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm như sự thiếu hụt việc làm có thu nhập tốt ở tại địa phương.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã chỉ ra, tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia rất cao (khoảng 90% trở lên) ở các công việc nội trợ, bao gồm: đi chợ, rửa bát, nấu ăn, giặt giũ quần áo, dọn nhà cửa... Đối với các công việc cộng đồng như tiếp khách, giao tiếp với chính quyền, đại diện gia đình tham gia việc hiếu hỉ, đa số nam giới tham gia, còn phụ nữ DTTS chỉ tham gia với vai trò đồng hành cùng nam giới, chứ không đứng ra với vai trò đại diện cho gia đình. Trình độ học vấn càng cao giúp giảm khoảng cách giới trong thời gian dành cho công việc gia đình. Như vậy, nhóm phụ nữ DTTS là nhóm tham gia vào công việc gia đình nhiều nhất.
TS. Trần Thị Hồng, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết: Để giảm thiểu gánh nặng của phụ nữ DTTS với các công việc gia đình không được trả công, cần tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức về vai trò giới trong công việc gia đình. Xóa bỏ định kiến giới về vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình giúp người dân nói chung, đặc biệt là người phụ nữ DTTS nhận thức đúng đắn về sự bình đẳng, về vai trò tạo thu nhập cũng như vai trò cộng đồng và vai trò nội trợ. Trên cơ sở đó, giúp người phụ nữ từ bỏ thái độ cam chịu, chấp nhận, thay đổi thái độ của cộng đồng với sự tham gia của nam giới vào các công việc gia đình. Đồng thời, cần thực hiện các hoạt động nâng cao trình độ học vấn, nâng cao cơ hội và khả năng tiếp cận việc làm cho phụ nữ DTTS…
Có thể thấy, giải pháp thay đổi nhận thức của người dân vùng DTTS để người phụ nữ DTTS không chịu nhiều thiệt thòi là việc rất cần thiết, cần có chiến lược cụ thể. Cùng với đó, các giải pháp cải thiện trình độ học vấn, tiếp cận việc làm bình đẳng về thu nhập với nam giới sẽ tăng cường nguồn lực kinh tế, xã hội cho phụ nữ DTTS. Điều này không chỉ giúp người phụ nữ DTTS tự tin hơn mà còn thúc đẩy sự tham gia bình đẳng hơn của nam giới DTTS vào các công việc gia đình.
THANH HUYỀN