Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện của Hội nghị và Triển lãm Thế giới số - ITU Digital World 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) tổ chức.
Công nghệ số đang làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Đại dịch COVID-19 tiếp tục là tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó gia tăng đáng kể hình thức làm ở nhà, các thông tin của Chính phủ và chương trình chăm sóc sức khỏe trực tuyến, các ứng dụng kiểm tra và truy vết, cũng như thẻ tiêm chủng phòng ngừa COVID-19.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những tác động của đại dịch làm ảnh hưởng đến việc sử dụng các dịch vụ và nội dung số; vai trò của các dịch vụ Chính phủ nói chung trong việc thúc đẩy chuyển đổi số; giải pháp để công dân có thể được trang bị tốt nhất các kỹ năng số phù hợp cho một tương lai số đúng nghĩa.
Bên cạnh đó, hiện đang có nguy cơ về một khoảng cách số mới trong xã hội, nơi các nhóm yếu thế như người già không thể tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thông tin thiết yếu khi không có thiết bị số và kỹ năng số. Đại diện lãnh đạo phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin của các quốc gia đã tập trung thảo luận về sự phối hợp giữa Chính phủ, ngành công nghiệp và các tổ chức liên quan để giảm thiểu bất bình đẳng số và đảm bảo không có công dân nào bị bỏ lại phía sau.
Trước đó, tối 13/10, hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng với chủ đề "Phát triển hạ tầng: cần tư duy lại vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số" tiếp tục được các Bộ trưởng, chuyên gia công nghệ thông tin thảo luận.
Hiện nay, phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều đã có hạ tầng băng rộng để sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá lớn về trình độ phát triển, công nghệ, tốc độ... giữa các nước và khu vực, ngay cả trong một quốc gia. Khi nhu cầu đạt đến một ngưỡng nhất định, cả về chất lượng, tốc độ truy cập, các mạng hiện tại cần phải được nâng cấp hoặc thay thế (như bỏ 2G, 3G để phát triển 5G).
Giải pháp để tăng tốc, tối ưu hóa việc triển khai cơ sở hạ tầng băng thông rộng một cách tốt nhất; vai trò của việc chia sẻ/dùng chung cơ sở hạ tầng, cả trong lĩnh vực viễn thông với các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích; cơ chế để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, tham gia sân chơi bình đẳng về công nghệ và thị trường... bài học kinh nghiệm tốt nhất trong việc triển khai băng thông rộng là gì, và làm thế nào để các quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau, những cạm bẫy cần tránh là gì?... là các nội dung được các đại biểu đưa ra thảo luận tại phiên họp.
Bên cạnh đó, đại diện các nước đã chia sẻ lộ trình, kế hoạch triển khai 5G tại quốc gia của mình, coi 5G là hạ tầng quan trọng để mở rộng vùng phủ sóng, tăng cường kết nối, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa vùng thành thị và nông thôn, giữa vùng được kết nối và không được kết nối./.