Trong những năm qua, công tác dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực ngân sách Trung ương dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 41 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo DTTS vẫn còn rất cao (53 DTTS ở Việt Nam, chiếm 14,2 dân số cả nước nhưng lại chiếm tới 51,86% tổng số người nghèo-trích báo cáo của Ủy ban Dân tộc tháng 5/2018,).
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, đến nay, số hộ DTTS thiếu đất sản xuất còn rất nhiều, trong khi chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chưa thực sự đồng bộ. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm ở nông thôn còn hạn chế. Các mô hình sản xuất hiệu quả còn ít, chưa bền vững. Chưa có chính sách đặc thù về ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS. Một số chính sách giáo dục vùng DTTS, miền núi còn bất cập. Chính sách đối với y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ bảo tồn, lưu giữ, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế. Chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức… Năm 2018 cũng như những năm trước, ngân sách Trung ương thực hiện chính sách, chương trình, dự án còn rất thấp so với kế hoạch, nhu cầu vốn (những tháng đầu năm 2018, riêng đối với chính sách do UBDT quản lý, nguồn lực bố trí chỉ đáp ứng 64,89% kế hoạch).
Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã chỉ rõ, hiện nay trên bình diện quốc gia chưa có một cơ quan nào theo dõi, nắm bắt được tổng thể, chính xác về ngân sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Ủy ban Dân tộc chỉ báo cáo được những chương trình, chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, còn rất nhiều địa phương, dự án do các ngành quản lý theo rất nhiều lĩnh vực. Ngay trong báo cáo và ý kiến giải trình của các Bộ cũng không tổng hợp, cung cấp được đầy đủ các thông tin, số liệu cần thiết. Việc xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu thống kê, tổng hợp các nội dung liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc chưa được tách bạch, phân định rõ ràng.
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đầu tháng 5/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã đề nghị Quốc hội quan tâm, bố trí đủ ngân sách để thực hiện chương trình, chính sách dân tộc. Đồng thời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề xuất Quốc hội tổ chức giám sát tối cao thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn cả nước, vùng kinh tế-xã hội ĐBKK. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề về thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, vấn đề dân tộc luôn là vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, cần giám sát tối cao về chính sách dân tộc, đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2011-2018 là 1 trong 4 chương trình giám sát đưa vào đề xuất để lựa chọn lấy 2 chương trình trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Trong phiên thảo luận về vấn đề này, có 7 đại biểu Quốc hội thảo luận trực tiếp tại Hội trường thì có tới 4 đại biểu đề nghị cần giám tối cao về chính sách dân tộc.
Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, hiện nay có tới hàng trăm văn bản chính sách, pháp luật đối với vùng đồng bào DTTS. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực. Một số chương trình được đầu tư nhưng dàn trải, manh mún dẫn đến hiệu quả chưa cao. Rất cần Quốc hội giám sát tối cao về chính sách dân tộc để từ đó thấy được thực tiễn các chính sách đã ban hành, qua đó khắc phục được hạn chế, thiếu sót để có những quyết định, chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kết quả giám sát cũng sẽ là một trong những luận cứ sát thực cho việc xây dựng dự án Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.
Tuy nhiên, tại phiên bế mạc kỳ họp ngày 15/6, Nghị quyết chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 không có vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc. Đây là một điều rất đáng tiếc.
Có thể thấy, giám sát tối cao về chính sách dân tộc là vô cùng cần thiết để có cái nhìn tổng thể, toàn diện cho việc hoạch định chính sách dân tộc trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi cũng rất cần kết quả giám sát thực tế làm căn cứ xây dựng Luật. Nói như một vị đại biểu Quốc hội: “Đồng bào DTTS hiện rất trông chờ vào sự hoạch định chính sách, không chỉ là giải quyết các chính sách lẻ tẻ, để khắc phục khó khăn trước mắt mà phải lâu dài, cả về thể chế, nhận thức và hành động”.
THANH HUYỀN