Theo chị Lữ Thị Sửu, cộng tác viên dân số bản Vĩnh Kim, trước năm 2005, bản Vĩnh Kim có tới 80% số hộ nghèo. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là nhà nào cũng đông con.
Muốn thoát nghèo thì phải làm sao tuyên truyền, vận động bà con trong bản thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Đây cũng là một nhiệm vụ rất gian nan, bởi để thay đổi được suy nghĩ của bà con là điều không hề đơn giản.
Để thực hiện, cán bộ chủ chốt của bản cùng cộng tác viên dân số đã xây dựng “quy ước các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3” nhằm giúp người dân nhận thức đúng về kế hoạch hóa gia đình, và cam kết không sinh con thứ 3 trở lên.
Sau khi ban hành quy ước, bản Vĩnh Kim thành lập Câu lạc bộ (CLB) “không sinh con thứ 3” với sự tham gia của các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Ngoài sinh hoạt CLB, sinh hoạt nhóm đều đặn hằng tháng, cán bộ dân số xã, bản đến những gia đình sinh con một bề, các cặp vợ chồng chưa nhận thức thấu đáo về chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình để tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Liên tục, bền bỉ, mưa dầm thấm lâu, định kỳ cán bộ thôn và cộng tác viên dân số hằng tháng tổ chức vận động, tư vấn, nhận thức của người dân đã dần thay đổi. Nhờ đó, hiện toàn bản có 108 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì 80% dùng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ sinh con thứ 3 từng bước giảm xuống. Từ năm 2010 đến nay, ở Vĩnh Kim không có trường hợp nào sinh con thứ 3.
Đặc biệt, tại Vĩnh Kim, nhiều gia đình dù đã sinh con một bề là gái, nhưng vẫn không sinh thêm mà tập trung vào phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con cái. Như gia đình anh Lữ Văn Trung và chị Lê Thị Thanh dù đã sinh 2 con gái nhưng đã tự nguyện ký cam kết không sinh thêm con thứ 3.
Anh Trung tâm sự: “Vợ chồng tôi có suy nghĩ trai hay gái cũng như nhau, quan trọng là bố mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái sao cho tốt nhất và phát triển kinh tế gia đình”.
Hiện nay, gia đình anh Trung đang đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình như, chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò... Ngoài chăn nuôi, gia đình anh chị còn trồng mía, sắn nguyên liệu. Hiện kinh tế gia đình thuộc diện khá giả trong bản, 2 con đều chăm ngoan, học giỏi, nhiều năm liền gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Hiện nay, cuộc sống của bà con bản Vĩnh Kim ngày càng đi lên, thu nhập bình quân đầu người hằng năm là trên 20 triệu đồng; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, người dân được sử dụng lưới điện quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, an ninh trật tự được giữ vững, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 2-3%.
HOÀNG QUÝ