Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giải quyết vấn đề Biển Đông - rất cần cái nhìn khách quan, tỉnh táo

PV - 13:09, 08/05/2021

Thời gian gần đây, khi tình hình Biển Đông xuất hiện những biến động phức tạp, các thế lực thù địch một lần nữa lại lợi dụng vấn đề này để bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, từ đó khuấy động lòng dân, hòng gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự trong nước và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước liên quan.

 Âu tàu trên đảo Đá Tây. Ảnh: qdnd.vn.
Âu tàu trên đảo Đá Tây. Ảnh: qdnd.vn.

Trước hết, phải tái khẳng định rằng, chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ và đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Riêng với vấn đề Biển Đông, những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Với vấn đề chủ quyền lãnh thổ nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng, lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, cụ thể là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao... Những năm gần đây, khi vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, chúng ta càng có thêm nhiều cơ hội để đưa ra tiếng nói, khẳng định chủ quyền ở Biển Đông tại các cơ chế, diễn đàn đa phương. Ví dụ điển hình nhất là trong thời gian đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã nhiều lần nêu vấn đề Biển Đông để cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, đúng đắn về vấn đề này.

Bởi vậy, dù tình hình trên biển nhiều lúc căng thẳng, phức tạp, Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu, đó là giữ vững chủ quyền biển, đảo, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, không để xảy ra xung đột. Qua đó càng chứng minh chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Ấy vậy mà gần đây, trước những thông tin mới về tình hình Biển Đông, dù chưa biết diễn biến ở thực địa "nóng, lạnh" ra sao, một số đối tượng vẫn “cầm đèn chạy trước ô tô”, kích động dư luận bằng những nhận định xuyên tạc, bóp méo sự thật... Những luận điệu đó thực chất là chiêu bài kích động hận thù dân tộc, khiến cho tình hình thêm căng thẳng, nhằm thực hiện chia rẽ nội bộ và làm căng thẳng quan hệ đối ngoại của Việt Nam, mưu đồ tạo ra một cuộc xung đột quân sự với hậu quả khó lường.

Lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam và những cuộc chiến tranh trên thế giới đã chứng minh cho hậu quả nghiêm trọng của xung đột vũ trang. Người dân Việt Nam hơn ai hết mong muốn hòa bình, ổn định và phát triển. Do đó, với vấn đề Biển Đông, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình. Chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng, bất khả kháng để tự vệ và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Nhân đây, cũng cần khẳng định lại rằng, bên cạnh việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông bằng các biện hòa bình, dựa trên chứng cứ pháp lý, lịch sử và luật pháp quốc tế, lực lượng vũ trang Việt Nam vẫn ngày đêm bám biển, sẵn sàng canh giữ và thực hiện các phương án bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng từ vấn đề Biển Đông, các thế lực thù địch rêu rao rằng Việt Nam đi với nước này chống nước kia. Thực tế có phải như vậy?

Nên nhớ rằng, trong xu thế hợp tác và phát triển của thế giới, Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, song tuyệt nhiên không có tư tưởng và hành động dựa dẫm, ỷ lại hoặc "lôi bè kéo cánh" để giải quyết bất đồng về chủ quyền lãnh thổ. Chính sách không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, là những quan điểm, chính sách nhất quán, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Bởi vậy, cái gọi là Việt Nam đi với nước này chống lại nước kia là luận điệu xuyên tạc, tuyệt nhiên không có trong đường lối đối ngoại, hoặc trong chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định.

Tiếc rằng, một số người vẫn dễ dàng sập bẫy bởi những quan điểm xuyên tạc kiểu này trên mạng xã hội hoặc trong lúc trà dư tửu hậu. Hậu quả là tâm lý của một bộ phận dư luận trong nước bất an, thậm chí dẫn tới những hành động gây mất ổn định trật tự xã hội, ít nhiều làm tổn hại đến những nỗ lực của Việt Nam và các nước liên quan trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

Suy cho cùng, vấn đề Biển Đông không phải là việc có thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà cần sự kiên trì, lâu dài. Để góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam yêu nước rất cần có cái nhìn khách quan về tình hình Biển Đông, về đường lối, chủ trương giải quyết vấn đề này của Đảng và Nhà nước, đồng thời tỉnh táo, cảnh giác, phản bác mạnh mẽ các luận điệu xuyên tạc, kích động mà những phần tử xấu đã và đang rắp tâm tạo ra./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.