Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giải pháp nào cho nạn tảo hôn ở Hà Giang?

Minh Thu - 05:48, 20/04/2021

Năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có tới 599 trường hợp tảo hôn; trước đó,từ năm 2015 đến năm 2019, địa phương này đã có 2.348 cặp tảo hôn. Dù tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp ngăn chặn và giảm thiểu tảo hôn, nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm.

Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền được cho là một trong những giải pháp để giảm thiểu nạn tảo hôn ở Hà Giang.
Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền được cho là một trong những giải pháp để giảm thiểu nạn tảo hôn ở Hà Giang.

Chuyện buồn chưa dứt

Trung tuần tháng 03/2021, chúng tôi đến Trạm xá Quân dân y kết hợp khu vực Lũng Cú (huyện Đồng Văn), đúng lúc Thượng úy Lê Xuân Lâm, nhân viên Quân y thuộc Đồn Biên phòng Lũng Cú,cùng hai nhân viên Trạm y tế xã Lũng Cú đang thực hiện ca đỡ đẻ cho sản phụ Thò Thị Giả (SN 2006), thôn Sáy Sà Phìn, xã Lũng Cú. Đến Trạm y tế từ 5g sáng, đến 8h30, Giả sinh hạ được một bé trai sau hơn 3 giờ đồng hồ vật lộn với những cơn. Những cơn đau mà ở lứa tuổi của em đáng ra chưa phải chịu đựng.

Từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, Trạm Y tế xã Lũng Cú đã thực hiện 12 ca đỡ đẻ, trong đó có 2 trường hợp làm mẹ chưa đúng độ tuổi. Dù các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nhưng tảo hôn vẫn đang là một thực trạng đáng báo động.

Thượng úy Lê Xuân LâmCán bộ Quân y - Đồn Biên phòng Lũng Cú

Đón nhận đứa con trai đầu lòng, dù rất vui sướng, nhưng chồng Giả - em Sùng Mí Say cũng chưa biết đặt tên con là gì, lấy gì nuôi con sau này, vì bản thân Say hiện đang không có việc làm. Trò chuyện với chúng tôi sau này nuôi con thế nào, Say ấp úng rồi nhìn sang bố cầu cứu.

Những câu chuyện như của Sùng Mí Say không phải là cá biệt ở Lũng Cú. Kể cả cho đến bây giờ, sau nhiều năm chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, áp dụng các hình thức xử phạt, nhưng tảo hôn vẫn cứ dai dẳng. 

“Với những trường hợp trên, đến cái ăn còn chẳng đủ, lấy đâu tiền xử phạt”, ông Tạ Quang Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú thở dài.

Theo ông Phạm Hồng Việt, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đồng Văn, việc xử lý hành vi tảo hôn hiện nay còn một số vướng mắc. Hiện, mới chỉ có quy định xử lý về hành vi tổ chức tảo hôn, do ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em hoặc người thân thích khác (của những người tảo hôn) tổ chức kết hôn cho những người chưa đến tuổi. Và để xác định các hành vi tổ chức tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS, là rất khó khăn, do nhiều cặp tảo hôn mà cả hai bên gia đình không hề có các hành vi tổ chức hoặc có nhưng không rõ ràng, không chứng cứ... do đó khó có thể xử lý hành chính. Bởi nguyên nhân chỉ là những giây phút bồng bột của đôi trẻ, đến khi sự việc vỡ lở, thì mọi sự đã rồi.

Giải pháp nào?

Theo bà Bế Thị Kim Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn chưa giảm như hiện nay, vẫn là do trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào DTTS chưa cao, sự khác biệt ngôn ngữ, không thông thạo tiếng phổ thông. Đặc biệt, là tục bắt vợ trong một số DTTS, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, hành vi của trẻ vị thành niên.

Tảo hôn là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, lạc hậu (Ảnh minh họa).
Tảo hôn là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, lạc hậu (Ảnh minh họa).

Mặt khác, sự phổ biến của internet, mạng xã hội, với nhiều hình ảnh gợi cảm, dễ dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc trong quan hệ giới tính của lứa tuổi vị thành niên. Trong đó, việc mang thai trước hôn nhân, chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến nạn tảo hôn.

Tảo hôn hiện là vấn nạn trong vùng đồng bào DTTS. Nhưng để giảm thiểu tình trạng này, không phải chuyện một sớm một chiều, cũng không thể chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mà còn phải tạo sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, giáo dục giới tính, nhất là với trẻ vị thành niên. 

Điều này, đòi hỏi sự nỗ lực, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với nhiều giải pháp đồng bộ; thậm chí áp dụng mạnh hơn nữa chế tài xử phạt hành vi tảo hôn, đặc biệt là hủ tục bắt vợ của một bộ phận đồng bào DTTS.

Ví như, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh vận động Nhân dân, áp dụng nghiêm các quy ước, hương ước thôn bản, phù hợp với tập quán dân tộc địa phương và gắn với các quy định của pháp luật. 

Làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm bằng quy ước và pháp luật; xây dựng các gương điển hình trong tuyên truyền, vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đa dạng hóa hình thức và sản phẩm tuyên truyền theo hướng đơn giản, hiệu quả, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện để người dân thấy rõ được hệ lụy của các hủ tục trong hôn nhân, dần thay đổi nhận thức, hành vi.

" HIện Hà Giang đang tiếp tục triển khai Quyết định số 498/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống”; chú trọng nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong cộng đồng... để từng bước đẩy lùi vấn nạn này", bà Bế Thị Kim Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ công tác dân tộc thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.