Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Giải nỗi lo điệp khúc "được mùa mất giá"?

Mỹ Dung - 07:30, 07/08/2023

Thời điểm này, na dai Đông Triều - một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đang bước vào mùa thu hoạch. Năm nay, sản lượng na chính vụ giảm so với năm ngoái, ngoài thời tiết không thuận lợi thì nguyên nhân chính là nông dân đẩy mạnh rải vụ na sang vụ Đông Xuân. Đây là hình thức tổ chức sản xuất mới đang giúp nông dân đạt năng suất cao hơn và hạn chế được câu chuyện được mùa mất giá.

Lãnh đạo thị xã Đồng Triều thực tế, nắm bắt nguyện vọng các HTX, người dân tại các vườn na
Lãnh đạo thị xã Đồng Triều thực tế, nắm bắt nguyện vọng các HTX, người dân tại các vườn na

Cùng với các mặt hàng gốm sứ, gạo nếp cái hoa vàng, hành khô thái lát… na dai đang là sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà thị xã Đông Triều tập trung đẩy mạnh phát triển... 

Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có trên 910 ha trồng na trong đó có hơn 355 ha được chứng nhận VietGap. Với vai trò là cây chủ lực, đến nay 14/21 xã, phường của Đông Triều trồng na. Đây là vùng trồng na có quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc với nhiều nhà vườn đã có thâm niên canh tác hơn 20 năm. Chính vụ na năm 2023 ước sản lượng đạt trên 11.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Nam - thương lái thu mua na thị xã Đông Triều cho biết vì sản lượng lớn nên nông dân có tâm lý thu hoạch na sớm để đạt giá cao dù chất lượng chưa đạt yêu cầu: "Cũng do người dân tâm lý sợ giá cả bấp bênh nên đầu mùa cũng vội, cắt sớm. Nhưng chúng tôi cũng thu mua với giá ổn định, không thể cắt non và cũng không ép giá người dân".

Các đại biểu tham dự tọa đàm các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm quả na Đông Triều
Các đại biểu tham dự tọa đàm các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm quả na Đông Triều

Theo thời gian, chất đất và cây na cho quả đã kém dần. Để duy trì và nâng cao thương hiệu OCOP, thị xã Đông Triều đang thực hiện cải tạo vùng trồng với mục tiêu tăng diện tích trồng na lên đến 990 ha. Trong đó, địa phương ưu tiên tăng diện tích trồng na bở lên gấp đôi đạt khoảng 140 ha; phục tráng và thay thế được 30% diện tích na hiệu quả thấp, đang trong tình trạng suy thoái bằng các giống mới, đảm bảo năng suất đạt trên 150 tạ/ha.

Ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân cho biết: "Hơn 200 ha na của xã Việt Dân đã có diện tích già cỗi, năng suất thấp. Năm 2023, xã Việt Dân sẽ hoàn thành việc cải tạo và thay thế diện tích na già cỗi trên địa bàn và xây dựng các mô hình mô hình na VietGAP và chúng tôi đang thử nghiệm trên 7 ha hữu cơ na nô. Sau vụ na này sẽ có kết quả đánh giá".

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm quả na Đông Triều
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm quả na Đông Triều

Hiện, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tại các vùng trồng na từ chất đất, kỹ thuật canh tác, phân bón chưa đạt kỳ vọng vì vậy những giá trị kinh tế từ quả na chưa phải là cao nhất. Tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đây là xu hướng sản xuất an toàn và diện tích trồng na ở Đông Triều có lợi thế để áp dụng mô hình này để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Việc kết nối, liên kết tiêu thụ theo chuỗi là chưa có nên giá trị hàng hóa chưa cao. Về sản xuất đã bảo đảm quy trình nhưng với bao bì, tem nhãn đã dày công gây dựng nhãn hiệu na dai Đông Triều và có bảo hộ nhãn hiệu nhưng việc đưa ra thị trường sử dụng nhãn mác chưa nhiều và chủ yếu bán theo hướng truyền thống nên có sự bấp bênh và ép giá. Vì vậy cần có sự liên kết qua các sở ngành để bán hàng bài bản và mang lại giá trị cao hơn".