Một câu hỏi vẫn tồn tại từ lâu của các ngành khoa học về Trái đất là làm thế nào bầu khí quyển Trái đất có được ôxy và những yếu tố nào kiểm soát quá trình ôxy hóa này diễn ra”, nhà vi sinh vật học Gregory Dick tại khoa Khoa học Trái đất và Môi trường của Đại học Michigan (Mỹ), cho biết trong một tuyên bố.
Một nghiên cứu mới của nhóm nghiên cứu trong đó giáo sư Dick là đồng tác giả cho thấy tốc độ quay của Trái đất, hay nói cách khác là độ dài của một ngày, có thể có ảnh hưởng quan trọng đến quy luật và thời điểm của sự ôxy hóa trên Trái đất, theo USA Today ngày 2.8.
Nghiên cứu được công bố ngày 1/8 trên chuyên san khoa học Nature Geoscience của Anh cho thấy thời lượng ánh sáng liên tục và kéo dài hơn đã kích thích các vi khuẩn kỳ lạ sản sinh ra nhiều ôxy, tạo nên hầu hết mọi sự sống của Trái đất.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu vi khuẩn từ một hố sâu ở hồ Huron (thuộc Ngũ đại hồ ở miền bắc Mỹ) và thử nghiệm xem chúng thu được bao nhiêu ánh sáng trong các thí nghiệm. Họ phát hiện ra rằng các vi khuẩn này càng nhận được nhiều ánh sáng liên tục thì càng tạo ra nhiều ôxy.
Các nhà nghiên cứu cũng đã mô phỏng tốc độ quay chậm dần của Trái đất và chỉ ra rằng việc ban ngày trở nên dài hơn đã thúc đẩy lượng ôxy do các vi khuẩn ở thời xa xưa tạo ra, từ đó giúp giải thích hai sự kiện ôxy hóa lớn của hành tinh.
Theo thời gian, Trái đất đã từ từ biến đổi từ một hành tinh có lượng ôxy thấp sang một hành tinh có mức ôxy chiếm khoảng 21% bầu khí quyển như ngày nay.
Các tác giả nghiên cứu và các nhà khoa học ngoài nghiên cứu cho rằng đây chỉ là một lời giải thích khả thi nhưng cũng khá hợp lý cho sự gia tăng lượng ôxy trong bầu khí quyển Trái đất.
Kể từ khi Trái đất hình thành cách đây khoảng 4,6 tỉ năm, tốc độ quay của hành tinh vẫn đang giảm dần do lực hấp dẫn không ngừng của mặt trăng, gây ra ma sát thủy triều. Điều này dần dần kéo dài thời gian một ngày từ 6 giờ thành 24 giờ như hiện tại./.